Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia: Chúa sơn lâm từ Lào “chạy” về Việt Nam (Kỳ 3)

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ bảy, ngày 11/07/2020 07:00 AM (GMT+7)
Theo lời dẫn của T "hổ" - bà trùm buôn bán hổ ở vùng Đông Bắc, chúng tôi thử "xuất ngoại" một chuyến sang Lào để tìm hiểu về con đường đưa hổ về Việt Nam.
Bình luận 0

Cuộc trao đổi giữa PV NTNN/Dân Việt trong vai các khách hàng có nhu cầu mua hổ và các sản phẩm từ hổ với T "hổ" (Thái Nguyên). Trong cuộc trò chuyện, T "hổ" tiết lộ khá nhiều mánh lới buôn bán, vận chuyển hổ và các sản phẩm từ hổ.

Để kế hoạch suôn sẻ, chúng tôi nhờ các mối liên hệ với một người tên Q ở huyện Mộc Châu, Sơn La. Sau thời gian dài thuyết phục, Q đã đồng ý cho chúng tôi theo chân sang Lào, nơi được coi là thủ phủ "hàng rừng". Có khá nhiều "chúa sơn lâm" được mang về Việt Nam qua đường này.

Hổ bị xắt khúc trước khi "vượt biên giới"

Dọc đường di chuyển sang Lào, Q liên tục gọi điện để kiểm tra thông tin từ các đầu mối biên kia xem còn hàng không. Đi qua hàng nghìn cây số đường bộ, cả nhóm có mặt ở khu vực Tam Giác Vàng, nơi tiếp giáp giữa ba nước Thái Lan – Lào – Myanmar, tại đây có một khu nuôi nhốt hơn 20 con hổ, 28 con gấu và nhiều động vật quý hiếm khác như chim công, khỉ, hoẵng.

Khách du lịch vào xem miễn phí. Còn việc chủ nhân nuôi "bảo tồn" để làm gì không ai trả lời được.

Người dẫn đường bảo chúng tôi "lén" thuê một chiếc xe ba gác (tuk tuk) do người đàn bà Lào lái. Khu phố ẩm thực và mua sắm đông đúc ở giữa vùng nga ba biên giới sôi động, từng nổi tiếng bởi các hoạt động liên quan đến ma túy của ông trùm Khun Sa khét tiếng.

Tại đây, chúng tôi đã kết nối được với một đại gia có tiếng trong giới buôn bán hổ. Trước đó, nhóm phóng viên đã chụp được cảnh bán da hổ, thậm chí đem cả thịt hổ, tay gấu rồi nhiều loài hoang dã khác lên tờ thực đơn ép plastic cho thực khách chọn!

Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia:  Kỳ 3: Chúa sơn lâm từ Lào “chạy” về Việt Nam - Ảnh 2.

Một con hổ được nuôi trong trang trại như nuôi chó nuôi mèo, chuẩn bị bán về Việt Nam cho khách nấu cao. (Ảnh: Nhóm PV)

Tại Lào, chúng tôi tiếp xúc với ông C là người biết rất rõ đường đi của hổ xuyên biên giới từ Lào về Việt Nam. Sau những trận bia Lào bên dòng sông Mekong, ông C cho biết: "Hổ từ nước ngoài về Việt Nam đi đường bộ, đường tiểu ngạch qua biên giới, sau khi vận chuyển bằng ô tô đến gần biên giới thì xắt khúc ra. Thuật ngữ trong giới gọi là "áo tơi", tức là lọc hết thịt, chỉ chuyển nguyên da và xương (như người mặc áo tơi đi trong gió). Lòng ruột vứt hết. Sau đó, người ta mới cõng hổ cả con qua biên giới ngon ơ..." - ông cười C khơ khớ nghe lạnh lùng.

Vì trong giới buôn lâu năm nên ông C biết rất rõ hổ đông lạnh thường bị ướp thuốc bảo quản.

Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia: Chúa sơn lâm từ Lào “chạy” về Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 2.

Nuôi hổ trong trang trại tại Lào. (Ảnh: Nhóm PV)

Ông C bảo: "Anh làm thịt con hổ, vứt lòng hổ xuống ao, mà cả ao cá chết sạch. Tức là, sau này tìm hiểu kỹ, mới biết, dân buôn nó ướp thuốc (hóa chất) vào da, xương, thịt hổ đông lạnh vô cùng nhiều. Biết là độc, mà vẫn hy vọng mình… sẽ không sao. Nên, khi thịt con hổ đông lạnh tiền tỉ ra, chúng tôi chỉ dám lấy xương thôi. Ví dụ như nó ướp đạm, ướp phóc môn, hóa chất. Sau khi luộc xương lên, đổ bỏ nước; cứ thế làm thế vài ba lần, đến lúc bóc thịt ra khỏi xương, thịt đã mềm như bún rồi. Thịt hổ, cân hơi đã bán 7 triệu đồng/kg, con hổ 2 tạ phải là tiền tỷ. Nên cứ ướp tẩm kỹ cho chắc ăn, kẻo thịt hổ xương hổ mà thối chỉ có nước bán nhà!".

Trong giới buôn bán cũng truyền nhau bí quyết: Khi hổ đã nấu thành cao thì rất dễ chuyển qua biên giới. Một con hổ trung bình khoảng 1,5 tạ, sẽ được khoảng 12% xương tươi (18kg). Khi nấu có cho thêm mai rùa, xương khỉ, sơn dương, nhung hươu… Tổng cộng các loại pha trộn, giá cao hổ cốt thật sự ở chợ đen cũng phải 30 - 40 triệu đồng/lạng.

Xâm nhập đường dây buôn bán hổ xuyên quốc gia:  Kỳ 3: Chúa sơn lâm từ Lào “chạy” về Việt Nam - Ảnh 2.

Hổ được đông đá để dễ dàng vận chuyển qua biên giới từ Lào về Việt Nam. (Ảnh: Nhóm PV)

Khi nghe thông tin cao rẻ, phóng viên tỏ vẻ nghi ngờ, ông C liền quả quyết: "Bạn anh nấu cao hổ cho cả xương khỉ vào thì tỉ lệ nồi cao chất "khỉ" nhiều hơn chất "hổ". Thế mới giàu. Cái giá trị của cao nó đến từ xương chân và xương đầu của con hổ. Có những con xương chân cực dày nhấc lên đã 2kg, có những con xương chân và xương đầu quá bé, quá mỏng, người ta phải pha xương tạp vào, không thì lỗ vốn".

Những chiêu thức chuyển hồ về Việt nam

Cũng tại "thủ phủ" hổ kể trên, một người chuyên buôn bán và nấu cao hổ đã không ngần ngại tiết lộ: Sau khi thịt hổ, em ôm bộ da đi chứ em không bao giờ có mặt ở đó vì sợ bị bắt sẽ liên lụy. Nhiều khi chúng em thịt ở các khu vực biên giới trước, đem thịt cho họ ăn với nhau, ta lấy xương bỏ vào nồi. Niêm phong lại. Mang đồ đông lạnh vào Việt Nam thôi. Khi thành xương và cho vào nấu rồi thì nó đơn giản lắm. Khi ấy, kể cả, nếu mà bị bắt thì cũng không thấy da con hổ nữa. Nếu chỉ có nồi xương hổ thôi, thì mình đã an toàn tới 80% rồi".

Theo người chuyên vận chuyển hổ về Việt Nam thì "ít biên giới nước nào mà lại không có đường rừng. Đường chính không được thì mình "đi cửa sau". Nhưng đi đường rừng ít, chủ yếu là đường chính ngạch. Bởi khi đi nhiều sẽ biết ca nào là ca của ai trực, rồi mình báo hàng về giờ nào, thì người ta "ok" với mình rồi người ta sẽ cho qua. Cũng phải đề phòng bị chơi đểu nên phải đánh lạc hướng. Ví dụ, hôm nay bảo "hàng về" nhưng thực ra lại không về rồi thăm dò xem".

Rồi ông C đưa ra một ví dụ. "Có vụ anh mua con hổ hơn 1 tỷ đồng, nặng gần 2,4 tạ. Đi một cái xe Hyundai Starex 16 chỗ. Ba cái xe giống nhau cùng treo một biển số cứ thế chạy ầm ầm, đến người trong cuộc cũng chẳng biết xe nào chở hổ. Xe đều được độ để chở hàng đặc biệt. Khi nhận hàng, chủ nhà lặng lẽ mở cửa, xe chạy vào trong sân. Ai đó đang hồi hộp xem hàng cấm. Tất cả ngó đầu vào trong xe, chả thấy gì! Lái xe bấm một cái nút, nó nâng cái sàn xe lên. Dưới sàn có một cái khoang hầm ngầm, một ông hổ mới từ đó nhô lên, răng nanh trắng ởn nhe ra!".

Tiếp tục, ông C kể: "Tay làm ăn với anh người Thái Lan, có một trang trại nuôi hổ bên Lào, anh đã từng vào thăm. Nó nuôi khoảng 12, 13 con. Vào đó mua rất dễ. Chủ trang trại lấy súng bắn thuốc mê, con hổ ngủ li bì. Ai thích làm gì thì làm".

Thế nên mới có chuyện, nhiều khu trang trại rộng lớn, ông bà chủ thả hổ vào đó nuôi, hàng chục năm quên không bắn hạ, lũ hổ kết đôi sinh sản, sau này bắt về, hổ đó đã hoang dã gần như 100%.

"Lúc gặp lại con hổ đó, bắn thuốc mê đem bán, thấy nanh "cụ hổ" đã dài và vàng óng. Loại hàng này cực hiếm, nuôi lâu như vậy không khác gì hổ tự nhiên" - ông C nói.

Tuy nhiên, ở nhiều vùng, người ta nuôi hổ bằng đầu gà, chân gà, cánh gà thối, gà chết từ các trang trại, tiêm thuốc đủ thứ, khiến chúng như những "ổ dịch bệnh" nguy hiểm.

Cách giao dịch, mua bán thú rừng, vận chuyển hổ của Q và C thì muôn hình vạn trạng. Có khi họ giao dịch ở các chợ phiên, nhiều quầy bán thịt, dưới gầm sàn giấu giếm một con hoẵng, một chú nai hay nguyên con sơn dương núi vừa bị bắn. Có nhà chặt tay gấu xếp trong tủ lạnh. Riêng hổ thì giao dịch rất bí mật.

Nhóm phóng viên đã vào tận "ổ" của một trang trại nuôi hổ và bàn kế mang hổ về Việt Nam bán. Cửa đóng then cài, tường cao kín đáo, chủ là người Việt rất tinh ranh. Những chiếc xe đông lạnh chạy xuyên quốc gia, ở đó có hàng Việt sang Lào bán, hàng Lào mang về Việt Nam. Dĩ nhiên, hổ là món buôn hời nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem