Các bản video cũng như hình ảnh, cho thấy một sự sỉ nhục cố ý của cảnh sát Malaysia khi buộc người phụ nữ Việt Nam này phải đứng chịu đựng giữa chợ rất lâu, để cho đám đông – hầu hết là những người nói tiếng Hoa – mắng nhiếc. Không ít người với bộ dạng khá giả, sang trọng đã dừng lại cười cợt và xem đó là một trò vui.
Ảnh cắt từ clip.
Chuyện xảy ra lan tràn trên các trang báo của Singapore và Malaysia, đến Việt Nam. Rất nhiều cảm xúc trái ngược đã xuất hiện trên mạng về sự kiện này, nhưng rõ ràng nó làm đau lòng con người Việt Nam vô cùng, ở mọi góc độ.
Có hai lời nhắn phản hồi, nổi lên trong những ý kiến về sự kiện này khiến tôi chú ý. Một là đề nghị đừng tiếp tay đưa những tin này vì có hại cho người phụ nữ đó, cũng như bộ mặt Việt Nam. Một lời nhắn khác thì nghi ngờ không tin nổi đó là người Việt Nam, cho rằng có sự nhầm lẫn. Tâm trạng chung của hai lời nhắn đó đầy xót xa, phản ánh rõ một tâm thức của người Việt bối rối trước những biến động của con người, thế hệ và thế giới mà họ quá sức tổn thương trước những điều không lý giải nổi.
Hai lời nhắn xót xa nói trên, phản ánh một tư thế chưa chuẩn bị kịp để đối diện trước đột biến của thời cuộc, và có thể thấy nó là tâm trạng chung của rất nhiều người Việt Nam. Với ý kiến nên giữ im thông tin đáng buồn này, cho thấy do trải qua một giai đoạn dài đất nước chưa mở cửa, việc né tránh thông tin đã ám ảnh rất nhiều người. Kể từ khi internet là sấm động trong đời thường, không câu chuyện nào là scandal lại không dịch chuyển với tốc độ ánh sáng, đến trước cửa từng ngôi nhà.
Từ chối tiếp nhận để yên lành trong thế giới vô trùng là một lựa chọn, nhưng đó cũng là cách tự làm yếu mình trước những điều biến động sẽ đến trong tương lai mà mình không thể tránh khỏi. Từ chối biết và suy nghĩ, có thể biến mình thành kẻ vị kỷ và không dám nhìn thấy sự thật.
Với ý kiến khác, không chịu nổi những điều xấu xí thuộc về dân tộc mình, cũng là một khía cạnh của nỗi xót xa. Lâu nay vẫn có những chuyện kể người Việt khi ra nước ngoài, khi được hỏi từ đâu đến, thường nói dối mình là người Trung Quốc, Đài Loan, Lào… để tránh bị phân biệt đối xử. Nghe qua tưởng chừng như là chuyện cười vô hại, nhưng thực tế đó là một sự chối bỏ đáng buồn giữa nghịch cảnh của đồng bào mình. Nhưng lâu nay, dường như người càng học cao, tự cho mình là đẳng cấp trong xã hội, lại rất hay vướng vào điều này.
Người Việt đã trải qua nhiều khốn khó, sự kiện một phụ nữ Việt ăn cắp bị bắt, làm nhục tại Kepong Baru nhắc lại những điều chúng ta đã đổ vỡ, nhắc những điều chúng ta cần làm nhưng chưa thể. Dùng một trạng thái tự ái dân tộc của hiện tại để che lấp những những ý thức cho tương lai là điều không nên: nó chỉ kéo người Việt thấp hơn trong nhân cách hay tư thế. Đôi khi tầm thường như những người Nhật dọn rác trên sân bóng, sau trận đấu ở World Cup, có thể toả sáng hơn những người Malaysia đứng lại và tát tai người đàn bà Việt giữa chợ.
Giờ phút chúng ta nhìn lại, giữ lại cho dân tộc mình đã đến. Giờ phút đó gõ cửa từng nhà và nhắc rằng chúng ta là một dân tộc có 4.000 năm văn hiến. Giờ phút buộc chúng ta nhớ lại rằng lịch sử cha ông không xấu xí như hôm nay, lịch sử của một dân tộc hiền hoà biết kính trên, nhường dưới, thương trẻ mến già.
Cuộc sống có đúng sai, nhưng không có chỗ của cái ác mà chúng ta nhìn thấy ở đám đông giữa chợ kia tại Malaysia. Tại đó, Việt Nam có thể có một người ăn cắp. Nhưng trong những dòng tin nhắn mà tôi nhận được, ghi rằng “thật xấu hổ cho người phụ nữ Việt Nam này, nhưng còn xấu hổ hơn nữa cho những người miệt thị bà ta”.
Không có một dân tộc nào trên thế giới hoàn hảo đến mức không tì vết. Người Việt cũng vậy. Nếu chúng ta mở lòng, mạnh mẽ đón nhận mọi sự thật và tiến về tương lai theo mầm tử tế từ trái tim mình, mọi nỗi đau chỉ khiến chúng ta lớn hơn, cao cả hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.