Những cuộc tình oan trái, hệ lụy đáng tiếc của hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang ngày ngày diễn ra, tác động xấu đến đời sống xã hội ở vùng miền núi của tỉnh Quảng Trị. Dù chính quyền các cấp, đoàn thể... nỗ lực ngăn chặn, xóa bỏ những hủ tục ấy, nhưng con đường xem ra còn dài và lắm khó khăn.
Ở miền sơn cước Quảng Trị có những cô bé mới lên 10 đã đi lấy chồng, 15 tuổi sinh con. Để rồi, những đứa trẻ ấy phải gánh chịu nỗi đau trong tâm hồn cùng tiếng à ơi ru con thơ dại, cùng với đó là tương lai mịt mù của cả mẹ và con.
10 tuổi bỏ học theo chồng
Học chưa hết lớp 9 Hồ Thị Mông đã có thai, sinh con nhưng không được người tình nhận trách nhiệm. Mông đành làm mẹ đơn thân, cuộc sống khó khăn. Ảnh: Ngọc Vũ
“Em buồn lắm nhưng biết làm sao được, lỗi do em dại dột. Giờ phải cố gắng làm việc để nuôi con chứ không nghĩ được nhiều” – Mông cúi mặt sụt sùi. Nhìn gương mặt buồn rười rượi của Mông, tôi lại nhớ đến Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ...
|
Từ TP.Đông Hà, tôi ngược quãng đường 120km lên xã A Vao (huyện Đakrông) và được ông Hồ Văn Hùng – Chủ tịch xã xác nhận, có trường hợp hi hữu bé gái lấy chồng lúc 10 tuổi.
Ông Hùng cử ngay anh Hồ Văn Nô – Phó Bí thư xã đoàn đi cùng tôi vượt thêm gần chục quả núi đất đá lởm chởm, dốc dựng đứng với quãng đường 20km đi vào bản A Sau. Đây là bản xa nhất của xã – nơi chỉ cách một ngọn núi là đến huyện Sa Muồi, tỉnh SaLaVan của nước bạn Lào.
Vào nhà từ trưa nhưng mãi đến xế chiều tôi mới gặp được Hồ Thị Xiêm khi em trở về nhà từ rẫy sắn cách đó hơn một giờ leo núi, người nhễ nhãi mồ hôi.
Xiêm sinh năm 2005, năm nay 12 tuổi, thân thể gầy gò, đen nhẻm, nặng khoảng 25kg... Ấy vậy mà năm 10 tuổi, cô bé Xiêm đã bỏ học, theo chồng. Người làm cho Xiêm mê muội là Hồ Văn Un, sinh năm 1999, con trai bà Hồ Thị Ngà. Mẹ của Xiêm tên Hồ Thị Nghệ là em gái ruột bà Ngà. Theo thông lệ, Xiêm và Un là anh em con dì. Nhưng, họ đã trở thành vợ chồng vào năm 2015 sau lễ cưới theo phong tục người Pa Kô.
Thở một hơi dài, anh Hồ Văn Ôi – Trưởng thôn A Sau buồn bã kể, anh là người chứng kiến từ đầu đến cuối lễ cưới của Xiêm và Un. Ngày đó, anh Ôi điện báo cho lãnh đạo xã, các cô thầy ở trường mà Xiêm đang theo học, bộ đội biên phòng đồn Ba Lin gần đó để can ngăn nhưng không được. Ngày cưới, Xiêm mặc chiếc váy truyền thống, thân hình bé nhỏ khiến váy bị tuột nhưng cô bé thơ ngây chẳng biết kéo lên.
Mọi người hỏi Xiêm có bị cha mẹ ép buộc lấy Un không, Xiêm trả lời dứt khoát rằng: “Em tự nguyện, không cho lấy Un, em sẽ tự tử”. Nghe vậy chẳng ai dám can ngăn vì sợ Xiêm làm liều, chỉ biết rơi nước mắt thương cô bé... Anh Ôi bảo, trời A Vao hôm đó đen đến lạ lùng...
Anh Ôi nói rằng, dường như Xiêm là “người trời” hoặc đã dành cho Un một thứ gọi là si tình. May thay, cho đến nay Xiêm không đồng ý cho Un “động phòng”. Hàng đêm Xiêm ngủ với mẹ chồng, còn Un ngủ một mình.
Năm 10 tuổi, Hồ Thị Xiêm bỏ học đi lấy chồng, không biết chữ nên tương lai mịt mù. Ảnh: Ngọc Vũ
Điều đọng lại khi tôi rời A Sau là Xiêm chưa học hết cấp 1, còn Un dù học hết lớp 8 nhưng nay không biết chữ, lại đang ham chơi, không biết tương lai của hai đứa sẽ khó khăn đến nhường nào! |
Un thì nói rằng, vì thương mẹ già ốm yếu nên lấy vợ sớm để có người cùng mẹ đi làm. Tôi hỏi Un, Xiêm không cho ngủ cùng có buồn không? Un cười ngượng nghịu nói “dạ có” rồi bỏ chạy vào rừng, nhất quyết không cho chụp ảnh.
Còn Xiêm, bây giờ tấm thân gầy gò của em vẫn ngày ngày tảo tần cùng mẹ chồng lên nương làm rẫy, trồng sắn để có cái ăn. Điều đọng lại khi tôi rời A Sau là Xiêm chưa học hết cấp 1, còn Un dù học hết lớp 8 nhưng nay không biết chữ, lại đang ham chơi, không biết tương lai của hai đứa sẽ khó khăn đến nhường nào!
Mẹ đơn thân 15 tuổi
Đi cách thôn A Sau 1km, tôi và anh Hồ Xông Nhiên - Trưởng thôn Ba Lin rẽ vào ngôi nhà sàn nhỏ chừng chục m2 lợp lá tranh, vách bằng thanh tre lồ ô của vợ chồng Hồ Văn Dõ (SN 1999) và Hồ Thị Lúa (SN 1996). Dõ lấy vợ khi mới 13 tuổi, nay đã có hai người con gái.
Khi chúng tôi đến, Dõ và Lúa mới đưa đứa bé gái 1 tuổi từ trạm xá trở về. Con đau ốm nhưng vợ chồng không có tiền, cháu bé đành ăn cháo trắng rắc thêm mấy hạt muối trước khi uống thuốc được cấp phát miễn phí. Căn nhà Dõ nằm giữa ngọn đồi cao của thôn Ba Lin, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc... bóng điện thắp sáng.
Anh Nhiên cho biết, vợ chồng Dõ siêng năng nhưng vì ít đất, không có vốn sản xuất nên cuộc sống cứ nghèo mãi. Gia cảnh của đôi vợ chồng này cũng là thực trạng chung của bà con người Pa Kô, Vân Kiều miền núi Quảng Trị.
Tôi hỏi Lúa: “Có định cho con ăn học đến nơi không?”. Lúa cúi mặt một lúc, rơi nước mắt nói rằng: “Em không được đi học nên không biết chữ, còn chồng chỉ ngang lớp 1 nên chữ được chữ mất, nhà lại nghèo. Giờ muốn cho con đi học đến nơi nhưng đâu có tiền, chỉ biết ngang đến đâu tính đến đó”.
Nghe vậy, tôi lặng người khi biết, ở họ, cái ăn hàng ngày còn chưa lo được thì làm sao lo chuyện tương lai!
Rời A Vao, chúng tôi theo đường mòn Hồ Chí Minh đến thôn Tà Lao, xã Tà Long (Đakrông), nơi có câu chuyện tình bi đát của cô bé 15 tuổi đã làm mẹ đơn thân.
Nghe hỏi chuyện, sau khi đưa tay quệt ngang dòng nước mắt, Hồ Thị Mông kể, có điện thoại từ năm học lớp 8 nên Mông thường nhắn tin “vợ chồng” với H.V.T - cùng tuổi, cùng thôn, cách nhà chưa đầy trăm mét.
Để chiều lòng người yêu, Mông chủ động đến nhà cán bộ thôn xin thuốc tránh thai, bao cao su rồi ban đêm lên rẫy làm “chuyện vợ chồng” suốt một thời gian dài với T.
Đến đầu năm lớp 9, Mông có thai. Tuy nhiên, thai đến tháng thứ 6 em mới nhận ra sự việc và báo với gia đình.
Sốc, nhưng anh Hồ A Hùng – bố Mông phải lập tức qua nhà T thưa chuyện cưới xin. Đau đớn thay, gia đình T không thừa nhận cái thai là máu mủ của con mình.
Mông sinh con non tháng nên con bị suy dinh dưỡng nặng. Hai tháng sau sinh, Mông đã phải xách cuốc lên nương hì hục cả ngày, để con nhỏ cho em gái út 7 tuổi trông coi.
Từ ngày đứa con ra đời, gia đình bên “chồng” không hề thăm hỏi mẹ con Mông nửa lời.
“Em buồn lắm nhưng biết làm sao được, lỗi do em dại dột. Giờ phải cố gắng làm việc để nuôi con chứ không nghĩ được nhiều” – Mông cúi mặt sụt sùi.
Nhìn gương mặt buồn rười rượi của Mông, tôi lại nhớ đến Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Nhưng, Mông khác Mị rất nhiều. Mị vì bị trói buộc, không có tình yêu và không được đến với tình yêu nên mới buồn.
Còn Mông, vì tình yêu đến quá sớm và lạc hướng nên mới xảy ra cơ sự, khiến cuộc đời em buồn như chiếc lá khô!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.