Tục "cưới thề" và chuyện không đêm tân hôn ở vùng cao

Chủ nhật, ngày 19/01/2014 09:15 AM (GMT+7)
Với trai, gái vùng dân tộc thiểu số người Bana, Chăm, Thái, Hre (Bình Định), tục cưới thề “sống với nhau đến khi tay không cầm được cái rựa,...” xưa đã được cải hóa thành lễ cưới đậm bản sắc văn hóa cổ truyền nơi đây.
Bình luận 0

Như bao đôi lứa người Kinh, trai gái các dân tộc thiểu số miền núi như Bana, Chăm, Thái, Hre Bình Định trước khi thực hiện lời thề “sống với nhau đến khi cái tay không cầm được cái rựa, cái chân không trèo được ba ngọn núi, không lội được bảy khúc sông, con mắt không nhìn thấy chim bay trên trời, cái tai không nghe tiếng chiêng giục hội, vẫn không phụ bạc” cũng được hợp thức hóa bằng một lễ cưới đậm bản sắc văn hóa cổ truyền.

Độc đáo đám cưới vùng cao

Hôn nhân của đôi lứa Bana, Chăm H’roi, Hre Bình Định bao giờ cũng bắt đầu, gắn liền với vai trò của ông No - người mai dong, đó phải là người có hôn nhân hạnh phúc, uy tín và giao tiếp khéo.

imgĐánh cồng chiêng chào mừng nhà gái đưa con đến nhà chồng làm dâu.

Lễ vật hỏi vợ của người Bana là trầu cau, gạo trắng, thổ cẩm, cặp rượu cần, vật không thể thiếu là 1 chiếc vòng tay bạc hoặc đồng mới nguyên, chưa qua sử dụng. Nhà gái đồng ý, nhận sính lễ thì ông No sẽ ngủ lại một đêm ở nhà gái để làm tin, sính lễ nhà gái “lại quả” là chiếc vòng tay y hệt chiếc vòng nhà trai mang đến. Sau ngày đi hỏi 1 ngày, hai ông No mới về, nếu đủ đôi vòng tay, nhà trai tiếp tục lo đám cưới, còn về ngay và chỉ có một chiếc vòng lẻ loi có nghĩa là việc dạm hỏi đã bất thành.

Đám cưới của người Hre thường diễn ra lúc nửa đêm vì họ cho rằng đây là lúc trời đất giao hoà, thần linh ứng nghiệm về chứng kiến nghi lễ, tình yêu của đôi trẻ. Phần quan trọng nhất trong lễ cưới Hre là nghi lễ nhận vợ nhận chồng.

Trước sự chứng kiến của ông mai, thầy cúng, già làng, họ hàng hai bên, vợ chồng trao nhau sợi chỉ đỏ và nắm cơm, mỗi người ăn hết nắm cơm còn sợi chỉ đỏ được cất giữ làm kỷ vật đến cuối đời. Nghi thức này đã đi vào ca dao Hre: Còn chờ đợi gì nữa mà không nhận nắm cơm anh trao/Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu đeo sợi chỉ đỏ này/Sợi chỉ cột tình anh, sợi chỉ cột tình em.

imgTục mời trầu ở đám cưới người Bana huyện Vân Canh.

Nghi thức cúng Pơ Sốp (cúng cưới) là nghi thức quan trọng nhất trong lễ cưới của người Chăm H’roi. Thanh niên nhà trai tổ chức giấu chú rể ở một nhà nào đó trong vùng để thanh niên nhà gái đi tìm. “Nhờ có thần linh mách nước chỉ đường”, nhà gái tìm được chú rể, người em vợ cầm tay dắt anh rể lên nhà sàn làm lễ Pơ sốp, nghi thức này do những người mai dong nhà trai đảm nhiệm.

Lúc này, hai vợ chồng ngồi cạnh nhau, có một ông No ngồi giữa ngăn cách, một ông No khác của nhà trai đến cầm tay hai vợ chồng áp vào nhau, tròng vào tay cô dâu chiếc vòng sính lễ cầu hôn của chú rể và mang vào tay chú rể chiếc vòng đáp lễ ưng thuận của cô dâu. Em vợ lấy khăn cột tay anh rể, dắt đến bếp đụng vào nồi cơm của cha mẹ 3 cái rồi dắt đi, cồng chiêng lại nổi vang tiễn chú rể theo vợ. Chú rể cô dâu người dân tộc không có đêm tân hôn như người dưới xuôi mà ăn uống, ca hát, nhảy múa thâu đêm cùng gia đình, người làng.

Cưới xưa - cưới nay

Bà Lê Thị Úi, người Bana làng Kà Xim, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) cho biết: “30 năm trước tôi bắt chồng, được gia đình tổ chức theo nghi lễ truyền thống của người Bana, nay đến lượt vợ chồng chúng tôi gầy dựng hạnh phúc cho các con, đều theo luật tục Bana bao đời”. Với chị Đinh Thị Hà, dân tộc Bana xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, con dâu bà Úi, thời khắc 12 giờ khuya trong ngày cưới của anh chị khi ông No giơ cao đôi vòng tay trước mắt bá mí, đông đảo họ hàng, già làng tuyên bố kể từ giờ phút này anh chị nên vợ chồng là sự kiện thiêng liêng không thể quên trong đời.

“Trai đủ 20, gái đủ 18 tuổi mới bắt chồng, bắt vợ, chỉ sau khi trình giấy đăng ký kết hôn cho già làng thì gia đình mới được tổ chức đám cưới. Hôn nhân theo chế độ mẫu hệ đang giảm dần trên cơ sở thỏa thuận giữa hai gia đình, cốt sao thuận tiện cho công việc làm ăn của vợ chồng đôi trẻ, vì hạnh phúc của con cái”, ông Nguyễn Tấn Liêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Canh vắn tắt đầy phấn khởi về vấn đề hôn nhân của các đồng bào trong huyện.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân ở Bình Định, trước đây, phong tục cưới của đồng bào dân tộc có một vài nghi lễ cầu kỳ, quy định khắt khe, qua thời gian đã được gạn đục khơi trong để phù hợp với đời sống hiện đại. Phong tục cưới ở đây vừa nghiêm trang, linh thiêng vừa nhân văn, thể hiện quyền tự do yêu đương, tự quyết hôn nhân của đôi lứa hòa hợp trong vai trò của cha mẹ, cộng đồng”.

imgVới chồng bên cạnh, cô dâu mới đặt những bước chân đầu tiên vào nhà chồng, bằng lối cầu thang dẫn lên nhà sàn.

Nhiều đồng bào nơi đây cũng cho biết, sở dĩ đám cưới của đôi lứa người dân tộc ngày nay phần đông được tổ chức theo xu hướng hiện đại, về hình thức giống đám cưới người Kinh, không hẳn vì họ đánh mất bản sắc truyền thống mà vì thiếu nhiều điều kiện.

imgBà Lê Thị Úi chuẩn bị quà cưới cho con gái út Đinh Thị Nhung là những bộ thổ cẩm truyền thống.

Cách tiến hành nghi thức, trình tự và ý nghĩa không phải ai cũng nắm rõ, đồ cưới truyền thống, các sính lễ, phẩm vật cưới… đa phần tự làm nên rất khó tìm mua. Phong tục cưới là một trong không nhiều nét văn hóa tồn tại mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số, có lẽ không quá khó để chính quyền địa phương, ngành văn hóa và người dân cùng nhau khắc phục.

Với những nghi thức thiêng liêng, độc đáo, giá trị cộng đồng vượt ra ngoài phạm vi gia đình, không khí vui tươi mang bản sắc văn hóa, đám cưới của đồng bào thiểu số mang dáng dấp như một lễ hội “mini” - lễ hội của tình yêu, hạnh phúc.

Khải Thư (Khải Thư)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem