Khi mùa vụ chín tới, người Cơ Tu chọn ngày Zi Brang (nhằm ngày 17 âm lịch) đi tuốt lúa. Khi đã thu hoạch xong, thường chia ra các phần: Một phần cất trong nhà dùng để ăn dần. Phần khác, cỡ 5-10 ang, cất một chỗ riêng trong kho lúa, để dành cho tới khi thu hoạch vụ sau. Chỉ khi gặp rủi ro như hoả hoạn, ốm đau, cúng người vừa từ trần thì mới dùng tới. Ngoài ra, cho dù có phải ăn măng, ăn sắn cũng không được dùng cho mục đích khác. Một phần nữa, được chọn ra từ những cây lúa sai hạt, hạt to, đều, chắc nhất để dành làm giống cho vụ sau. Phần còn lại chất vào kho.
Kho lúa người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, Quảng Nam.
Kho là một nhà sàn được làm bên cạnh nhà Duông (nhà tạm ở ngoài rẫy) trên rẫy. Khi nào gia đình ăn hết phần lúa ở nhà mới mở kho lấy lúa. Công việc mở kho xưa nay có một tục lệ bắt buộc.
Người mở kho phải là một cụ bà, chủ của gia đình. Người phụ nữ nào được chọn mở kho lúa thì chỉ mỗi người đó thôi, không được thay thế người khác, trừ khi được uỷ quyền trực tiếp. Đây là một vinh dự của người phụ nữ Cơ Tu. Thủ tục uỷ quyền như sau:
Sau khi cúng Giàng, thần cụ bà mở kho, hốt một nắm lúa nhỏ, vừa trao cho người mới, vừa khấn: “Nay trao cho người thứ hai cũng là người nhà, kể từ nay về sau được mở kho lấy lúa, mong hồn kho cho mở, hồn lúa đừng sợ mà bỏ đi. Cầu mong Giàng, thần phù hộ để mùa sau cũng bội thu hơn mùa này”.
Để mở kho lúa, vào ngày Đha (nhằm ngày mùng 8 âm lịch), cụ bà dậy từ rất sớm, tắm rửa sạch sẽ, mặc tấm tút mói nhất, sạch sẽ nhất, lặng lẽ vào nhà Duông và làm thủ tục cúng lúa mở kho.
Lễ vật cúng đơn giản là nước trong và lá cây rừng (loại lá con người ăn được và sai quả nhất, thường là cây chôm chôm rừng), khấn thần linh và hồn lúa, bà lấy lúa trong kho ra tự giã và nấu cơm cho cả nhà. Tất nhiên chén cơm đầu tiên bà ăn trước để xin phép Giàng.
Sau khi mọi thành viên trong nhà ăn xong, lúc này họ có thể xuất ra cả chục ang lúa nếp để nấu xôi (cơm lam, cơm nếp) để mời làng xóm ăn. Đó là ngày ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu.
Tục lệ cất và mở kho lúa của người Cơ Tu là một phong tục đẹp. Nó đã giúp cho con cháu biết “tích cốc, phòng cơ”, vừa có tính giáo dục con người biết quý trọng thành quả lao động của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.