Tục sơn đầu của người Dao

Thứ sáu, ngày 02/08/2013 12:02 PM (GMT+7)
Khi mọi công việc đồng áng đã đâu vào đấy, tiết trời thu ở Xứ Lạng chuyển sang mát mẻ, dễ chịu. Những người phụ nữ Dao ở xã Mẫu Sơn(Lộc Bình - Lạng Sơn) lại quây quần bên nhau chuẩn bị dụng cụ để làm đẹp bằng cách… Sơn đầu.
Bình luận 0

Người Dao xã mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn) bao đời nay sống trong những căn nhà trình tường, với mái ngói âm dương cổ kính, rêu phong quanh năm mây phủ, nhưng họ vẫn lưu giữ được những phong tục và bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Trong đó, tục sơn đầu của người phụ nữ vẫn được duy trì đến ngày nay.

Không ai biết tục sơn đầu có từ khi nào, người dân nơi đây chỉ biết rằng có từ thời tổ tiên và đến nay các bà, các mẹ, các cô và thiếu nữ người Dao nơi đây vẫn sơn đầu vài ba lần trong năm.

img

Dương Múi Phan, 60 tuổi, dân tộc Dao thôn Khuổi Lầy, xã Mẫu Sơn (Lộc Bình, Lạng Sơn) cho biết: “Người Dao mình quan niệm rằng Chập puân miền, đùa puân choong (mười phần đẹp, chín phần do trang điểm). Thi thoảng mình vẫn hướng dẫn cách sơn đầu cho con cháu vào những dịp lễ, tết. Ngày xưa mình đi lấy chồng mà không biết sơn đầu thì người già không thích đâu. Bây giờ cũng vậy, con gái phải biết làm cái đầu mình óng, mới duyên, con trai nó mới thích, cha mẹ thằng người yêu mới ưng cái bụng!”.

Để tiến hành sơn đầu, theo bà Phan phải chuẩn bị bộ đồ nghề, bao gồm một bộ xà kích, trong đó có chiếc mù chẳn, đầu dẹt, chuyên dùng để nhổ tóc, cục sáp ong vàng óng, chiếc lông nhím khô cứng. Khi đã chuẩn bị xong bộ đồ nghề, thoạt tiên sơn nữ người Dao thường tụ nhau lại, chải tóc mượt mà, gội bằng lá thơm cho mềm tóc, rồi hong tóc ở bếp cho thật khô, búi gọn lên đỉnh đầu.

Tiếp theo là dùng mù chẳn nhổ sạch những lông tơ mọc trên tai, trên trán người được sơn đầu. Lấy cục sáp ong cho vào bát mang nướng trên ngọn lửa để sáp nóng chảy, rồi dùng lược nhúng vào bát sáp mật ong nóng chảy, vừa chải vừa phết vào tóc thành từng lọn nhỏ từ đỉnh đầu trở xuống. Các lọn tóc dính sáp bết vào nhau và cứng lại, rồi được vấn tròn vào đầu cũng từ trên xuống dưới, đều đặn, ngay ngắn. Để hoàn thành công việc sơn đầu, phải mất vài tiếng, càng sơn lâu, càng óng đẹp.

Anh Triệu Chằn Phúc, 40 tuổi, ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn(Lộc Bình - Lạng Sơn) tâm sự: “Các cô sơn nữ ở đây khi đến tuổi cập kê đều cạo đầu, nhổ tóc, sơn bóng. Đây là một biểu hiện của người con gái Dao đã đến tuổi trưởng thành. Ngày xưa mẹ tôi cũng ngồi bên bếp lửa sơn đầu, tóc mẹ bóng, đẹp lắm. Vợ của mình thỉnh thoảng đi chơi hội, vẫn sơn đầu đấy, mình không ghen đâu. Ngược lại, mình thấy thích ngắm vợ, như thế mới thấy giống mẹ của mình khi xưa”. Theo anh Phúc, đối với người đàn ông Dao thì việc sơn đầu là một trong những tiêu chuẩn để kén vợ.


Sau gần hai ngày, khi mật ong đã khô, tóc đã bết, công việc sơn đầu coi như hoàn thành. Từ đó trở đi họ hạn chế gội đầu, nếu đi làm bẩn tóc, họ lấy quả chanh, quả bưởi mọng nước chà lên tóc là sạch ngay. Nếu thấy ngứa họ dùng lông nhím để gãi. Mỗi lần sơn để lâu 3-4 tháng, sau đó lại giở tóc ra dùng nước lá thơm đặc biệt chải vuốt hết sáp cũ, làm lại từ đầu.

Qua tục sơn đầu của người phụ nữ dao ở xã Mẫu Sơn (Lộc Bình – Lạng Sơn) cho chúng ta thấy vẻ đẹp của phụ nữ mỗi nơi, mỗi tộc người được trang điểm theo truyền thống, tập tục khác nhau. Tuy nhiên đều có một điểm chung là làm đẹp cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Hoàng Văn Hương (Hoàng Văn Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem