Từng được xem là "chó của mọi người Mỹ", vì sao Pitbull ngày nay khiến nhiều người sợ hãi?

Nguyễn Thái - Tổng hợp Chủ nhật, ngày 20/06/2021 00:25 AM (GMT+7)
Pitbull nhanh chóng chiếm được cảm tình của người Mỹ khi được đưa tới quốc gia này. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi giới tội phạm để ý tới giống chó này.
Bình luận 0

img

Ảnh: Vtwctr

Được tạo ra do nhu cầu của các trò giải trí đầy hấp dẫn

Nguồn gốc của Pitbull có thể xuất hiện từ đầu những năm 1800 ở Anh. Pitbull ban đầu được lai tạo từ Bulldog Anh cổ (tương tự như giống Bulldog Mỹ ngày nay), giống chó nổi tiếng nhờ môn thể thao "Bull-baiting" (Tạm dịch: Đấu bò). Trong môn thể thao này, một hoặc hai con Bulldog sẽ được thả ra để tấn công một con bò đực cho tới khi đối phương kiệt sức hoặc bị thương nặng.

Tuy nhiên, năm 1835, quốc hội Anh ban hành đạo luật về các hành vi đối xử tàn ác với động vật, trong đó cấm giết hại một số loài như bò hay gấu. Khi Bull-baiting và Bear-baiting bị cấm, công chúng thời kỳ này chuyển sang hình thức giải trí mới đó là trò "chó săn chuột".  Những con chó sẽ trổ tài bắt chuột và được bấm giờ. Con nào bắt được nhiều chuột trong khoảng thời gian ngắn nhất sẽ giành chiến thắng.

Chữ "Pit" (hố) trong từ "Pitbull" được cho là xuất phát từ trò "chó săn chuột" này khi những con chuột được thả xuống một cái hố hoặc sàn gỗ có vách cao dựng đứng để chúng không thể chạy thoát.

img

Minh họa trò "chó săn chuột". Ảnh: KAUDM

Sau cùng, khi không còn hứng thú với "chó săn chuột", người dân bắt đầu chuyển sang "chọi chó" vì trò này vừa hấp dẫn vừa có thể lách đạo luật 1835.

Các trò "Chó săn chuột" hay "chọi chó" đều yêu cầu giống chó có tốc độ và sự linh hoạt. Vì vậy Bulldog được lai với Terrier để tạo ra giống "Bull Terrier" hay còn được biết đến là giống Pitbull Terrier đầu tiên.

Dù Pitbull là giống ngoan cố và hung hăng khi chiến đấu, những người lai tạo thời đó chủ đích tạo ra những con Pitbull Terrier với một số đặc điểm tốt như ngày nay. Thông qua việc nhân giống và tiêu hủy có chọn lọc, những cá thể ít cắn người được ưu tiên giữ lại.

Những người chủ phải đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể xuống hố và kiểm soát chó của mình ở khoảng cách gần mà không bị cắn. Nếu một con chó cắn người, nó sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức.

Ánh hào quang trong quá khứ

Ngay trước thời điểm Nội chiến Mỹ (1861 - 1865) xảy ra, những người Anh đã nhập cư vào Mỹ và đem theo những con Pitbull của họ. Cũng trong thời gian này, giống Pitbull Terrier được gọi với cái tên Pitbull Terrier Mỹ. Dù được lai tạo để phục vụ những cuộc "chọi chó", nhưng giống Pitbull Terrier này đã sớm thể hiện vai trò lớn hơn tại Mỹ, một quốc gia đang phát triển thời điểm đó.

Ở thời kỳ đầu của nước Mỹ, những con Pitbull Terrier có thể được sử dụng vào nhiều việc. Chúng vừa hỗ trợ chăn gia súc, chăn cừu, bảo vệ gia súc và các gia đình khỏi lũ trộm cũng như thú hoang. Ngoài ra, Pitbull thời điểm đó rất hữu ích cho việc đi săn. Lòng trung thành của Pitbull và tình cảm của chúng với con người, nhất là trẻ em, khiến giống chó này trở nên nổi bật không chỉ với tư cách là một con vật giúp lao động mà giống như một "người bạn đồng hành".

img

img

Pitbull được xem như "bạn đồng hành" của người Mỹ. Ảnh: Badrap

Trong nửa đầu thế kỷ của nước Mỹ, Pitbull vẫn được xem là một phần văn hóa nổi bật. Công chúng dồn sự chú ý vào giống chó này và xem chúng như "bạn đồng hành" thay vì chỉ là giống "chó chiến".

Người Mỹ yêu quý Pitbull vì giống chó này thân thiện, dũng cảm, chăm chỉ. Thời điểm đó, Pitbull thậm chí còn được đặt cho biệt danh là "Chó của mọi người Mỹ".

Trong Thế chiến I và Thế chiến II, Pitbull được sử dụng làm linh vật của Mỹ. Hình ảnh về sự dũng cảm và trung thành của giống chó này đã được thể hiện ở khắp các quảng cáo trong thời chiến. Nổi bật nhất là chú chó Stubby (hay còn gọi là Trung sĩ Stubby). Stubby là con chó duy nhất được phong cấp bậc trong quân đội Mỹ nhờ góp công lớn trong Thế chiến I. Stubby phục vụ 18 tháng ở tiền tuyến, góp công trong 17 trận đánh và 4 chiến dịch lớn. Trung sĩ Stubby chỉ là một trong số nhiều con chó thuộc giống Pitbull góp công sức trong thời chiến ở Mỹ.

img

Trung sĩ Stubby. Ảnh: Slate

Ngoài những đóng góp trong thời chiến, Pitbull còn chiếm được cảm tình rất lớn từ người Mỹ. Hình ảnh những chú chó Pitbull thường xuyên xuất hiện trong các quảng cáo thương mại và sản phẩm, logo công ty hay trên các chương trình truyền hình nổi tiếng.

Pitbull còn nhận được sự chú ý của các chính trị gia, học giả và người nổi tiếng. Cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, nhà phát minh thiên tài Thomas Edison, nhà văn Mark Twain... đều nuôi một chú chó Pitbull và xem như "bạn đồng hành".

Sau Thế chiến II, Pitbull trở lại với những vai trò bình thường như hỗ trợ chăn gia súc, đi săn... Hầu hết được nhân giống và nuôi làm "bạn đồng hành".

Nỗi ám ảnh hiện tại

Năm 1976, quốc hội Mỹ sửa đổi Đạo luật phúc lợi động vật 1966 để giải quyết vấn nạn "chọi chó" cùng nhiều vấn đề khác. Việc sửa đổi mang tính đột phá này biến "chọi chó" thành trò bị cấm ở 50 bang của nước Mỹ. Ngày nay, "chọi chó" là một trọng tội ở Mỹ. Ở hầu hết các bang, sở hữu chó với mục đích "chọi chó" là trọng tội. Khán giả xem "chọi chó" cũng là người phạm tội ở hầu hết các bang của Mỹ. Nhưng thật không may, một hành động bị coi là phạm tội đôi khi lại thu hút sự chú ý của giới tội phạm.

Khi "chọi chó" bùng nổ trở lại vào những năm 1980, những người bảo vệ động vật tập trung lên án ngày càng nhiều về môn thể thao mà họ coi là tàn bạo, man rợ và bất hợp pháp này. Nhưng một điều mà họ không ngờ tới khi nhắc quá nhiều đến Pitbull chính là việc giống chó này bị một số người săn lùng với mục đích bất chính.

Giới tội phạm bắt đầu sử dụng Pitbull, ép chúng vào một hướng phát triển tiêu cực. Mọi hào quang quá khứ của giống chó này thay đổi từ đây.

img

Ảnh minh họa: Dark Dynasty

Giống chó từng được lai tạo để làm bạn với con người nay giữ vai trò chó canh gác và "chó chiến" phục vụ các "sới chọi" trái phép. Nhu cầu tìm mua Pitbull tăng cao khiến nhiều người nhân giống tạo ra nhiều chó mà không quan tâm chúng được chăm sóc và huấn luyện ra sao. Rất nhanh, Pitbull từ giống chó trung thành, dễ gần, hữu dụng giờ bị gắn với nghèo đói, "côn đồ thành thị" và tội phạm. Chúng bị xem như công cụ kiếm tiền thay vì một thành viên trong gia đình hay "bạn đồng hành" như trước đây.

Theo trang Love A Bull, một điểm nhấn dẫn tới sự thay đổi trong cách nhìn về giống chó Pitbull xảy ra vào năm 1987. Khi đó, tạp chí Time của Mỹ có bài viết trang bìa với tựa đề “The Pit Bull Friend and Killer” (Tạm dịch: "Pitbull - bạn và thù").

Các phương tiện truyền thông lúc đó đã khiến giống "chó của mọi người Mỹ" trở thành vật nuôi đáng sợ và dường như không nên nuôi trong nhà. Pitbull bị gắn mác nguy hiểm.

Ngoài ra, việc Pitbull tấn công người không phải hoàn toàn do bản chất hung hăng của giống chó này. Theo trang ASPCA, hành vi của một con Pitbull phát triển thông qua sự tương tác phức tạp giữa môi trường nuôi và di truyền. Đây là một điểm rất quan trọng khi đánh giá hành vi của một con chó và một giống chó.

Khi xét tới hành vi của một con chó, các yếu tố như điều kiện nhà ở, chăm sóc và tương tác với con người đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của chó gắn bó chặt chẽ tới mức không thể chỉ ra bất kỳ yếu tố nào khiến Pitbull trở nên hung dữ. Đây cũng là lý do vì sao có sự khác biệt trong hành vi giữa những con chó, ngay cả khi chúng cùng giống và được lai tạo cùng mục đích.

Nhờ tác động của trải nghiệm và môi trường, một con Pitbull được lai tạo để ngày càng hung hăng có thể không tấn công con chó khác. Trong khi, một con Labrador Retriever được lai tạo để là thú cưng của con người, nếu rơi vào môi trường chăm nuôi không tốt có thể hung dữ và cắn người.

---------------

Việc có nên cấm nuôi Pitbull hay không thường trở thành đề tài được đưa ra tranh luận mỗi khi xảy ra một vụ Pitbull cắn người. Một số người cho rằng, giống chó này nên bị cấm nuôi vì sự hung hăng của chúng. Và thực tế, không ít quốc gia và khu vực trên thế giới đã cấm nuôi Pitbull. Một số người khác cho rằng, không cần thiết phải cấm vì có nhiều biện pháp giúp giảm sự hung hăng của giống chó này. Bài kỳ sau đăng trên Mục Thế giới sáng sớm ngày 21/6 sẽ viết về vấn đề này!

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem