Có lẽ trong lịch sử quân sự Việt Nam thế kỷ XX, không thể có một vị tướng thứ hai nào đặc biệt như ông. Võ Nguyên Giáp, người họ Võ nhưng lại được các đồng chí, anh em của mình kính mến gọi là “anh Văn”. Đó là một nhân cách chói ngời của dân tộc Việt Nam, vừa mưu lược, gan dạ, tỉnh táo lại vừa yêu thương con người sâu sắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Daniel Roussel
Trên thế giới hiếm có một vị tướng nào sánh kịp ông, trong suốt cuộc đời, ông viết nhiều hàng trăm bài báo, để lại nhiều luận văn nhất, gần 100 bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là viết nhiều sách văn học.
Có thể kể ra hàng loạt tác phẩm như “Vấn đề dân cày” (đồng tác giả với Trường Chinh), 1938; “Đội quân giải phóng”, 1950; “Từ nhân dân mà ra”, 1964; “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, 1964; “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng”, 1970; “Những năm tháng không thể nào quên”, 1970; “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân”, 1972; “Những chặng đường lịch sử” (gồm 2 tác phẩm đã in trước đó là Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên), 1977; “Chiến đấu trong vòng vây”, 1995; “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, 1979; “Đường tới Điện Biên Phủ”; “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”;“Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng” (đều xuất bản năm 2000)…
Ai cũng nhớ một câu nói nổi tiếng của ông: “Nếu không có chiến tranh, tôi chỉ là một thầy giáo dạy sử”. Chính bởi nhìn thấy sự quan trọng của các môn khoa học xã hội nhân văn trong việc xây dựng nhân cách con người, Đại tướng là người rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Ông cho rằng môn sử-địa giúp ích rất lớn về nâng cao tri thức, lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội.
Ông từng trăn trở: "Mình đã nhiều lần đi trao giải cho các học sinh thi giỏi toán, vật lý nhưng sao không thấy có giải của môn sử-địa? Cần nghiên cứu vấn đề này kể cả trong cách dạy và học, cùng với nhiều hình thức sinh động khác".
Trong suy nghĩ của Đại tướng: "Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống...”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họa sĩ Lê Trí Dũng trong lần vẽ tranh tại tư gia Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng có những ứng xử vô cùng nhân văn với những người xung quanh mình, không khi nào ông tỏ ra mình là một vị lãnh đạo hay người quan trọng. Họa sĩ Lê Trí Dũng từng không thể nào quên lần ông chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu. Đó là những ngày giáp Tết Nhâm Tý đầu năm 1972, Sư đoàn Bộ binh 338 quân tăng cường Bộ tư lệnh Thủ đô đang cấp tập “rèn” quân ở Thạch Thành (Thanh Hoá) thì được tin Đại tướng đến thăm và chúc tết.
Hôm ấy, Sư đoàn bộ đã dựng một khán đài cao, Đại tướng sẽ đứng trên đó nói chuyện, toàn sư đoàn hàng ngũ chỉnh tề trải dài xuống ven đồi. Nhiều đơn vị ở quá xa chỉ cử đại diện. Đại tướng lên nói chừng 15 phút, chúc Tết và động viên binh sĩ, tiếng “hu-ra” vang rền. Kết thúc, đơn vị chỗ nào lại về chỗ nấy. Chúng tôi còn nán lại để “xem mặt” ông. Ra đến ngoài cánh rừng bạch đàn, rất nhiều chiến sĩ đứng dọc hai bên đường, từ trên xe, ông nhảy xuống đi bộ giữa hai hàng quân, tay vẫy vẫy.
Đột nhiên ông dừng lại trước một người lính trẻ, rất trẻ. Chỉ khoảng 16, 17 tuổi và rất nhỏ bé, lùng thùng trong bộ quân phục số 2. Đối diện với người binh nhì, ông ôn tồn hỏi: “Đồng chí đi bộ đội bao lâu rồi?”. “Báo cáo Đại tướng, gần một tháng ạ”. “Đã học chào chưa?”. Người lính trẻ lúng túng, vì cảm động hơn vì câu hỏi. Và bất ngờ, Đại tướng dập gót, đứng nghiêm, giơ tay chào. Người lính cũng đứng thẳng người, chào đáp lại, hai mắt anh rực sáng.
Họa sĩ nói: “Suốt đời, tôi không bao giờ quên ánh mắt của người lính hôm ấy. Trong ánh mắt ấy nửa như có sự hàm ơn, nửa như mang một lời hứa. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một cảnh tượng cảm động và lạ lùng: một đại tướng đứng nghiêm chào một binh nhì trước giờ xuất trận”.
Trong lần đến vẽ chân dung Đại tướng tại nhà riêng, khi ra về họa sĩ, đã nói với phu nhân Đại tướng: “Ông là tài sản của nhân dân Việt Nam”. Bà Hà sửng sốt: “Thế à”. Họa sĩ trả lời: “Ông đã lấy lại lòng tin cho chúng tôi trong bao phút ngã lòng. Đời người ta, ai không có những phút ngã lòng? Khi cái ác đè lên cái thiện, khi sự thật bị vùi lấp… thì chúng tôi cần ông biết bao. Vì ông mãi mãi là vị Tổng Tư lệnh của những người lính chúng tôi”.
Trong một mảng ký ức khác, nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhớ lại: “Đó là năm 2011. Bộ VHTTDL đứng tên chương trình cùng Đài truyền hình Việt Nam: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản hùng ca Điện Biên”. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên VTV1 tối 17.6. 2011 tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Bình.
Tôi rất vinh dự được viết kịch bản và Tổng đạo diễn dàn dựng chương trình này. Do một số lý do, chương trình phải hoãn tới hoãn lui 3 lần, dù đã có quyết định lên sóng. Trong 3 lần hoãn đó, có một lần tôi đề nghị hoãn.
Hôm đó tôi có nói với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Thứ trưởng Lê Tiến Thọ, xin hoãn, chỉ đơn giản là chuẩn bị chưa kỹ, như năm xưa trong trận đánh Điện Biên Phủ, thấy chuẩn bị chưa tốt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh dừng tấn công, kéo pháo ra, và đó là một quyết định sinh tử,một quyết định thể hiện tài năng quân sự lỗi lạc của Đại tướng. Học tập Đại tướng, chương trình có vài khâu chuẩn bị chưa tốt, hoãn, " kéo pháo ra".
Trong chương trình này, lần đầu tiên, tôi cùng nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Hoàng Anh Tú đã sáng tác ca khúc duy nhất về Đại tướng. Vui hơn nữa, ngay trong đêm phát sóng, Đại tướng dù đã mệt, đã nằm điều trị tại Viện 108 nhưng vẫn xem được. Tôi biết, chương trình vẫn còn những hạt sạn, lỗi kỹ thuật, nhưng vượt qua tất cả là tấm lòng của cá nhân mình và của tập thể nghệ sĩ gửi đến Đại tướng tình cảm quý mến và kính trọng nhất. Đại tướng luôn bên cạnh người dân Quảng Bình chúng tôi. Với chúng tôi, ông là một người đàn ông lớn của làng mình”.
Daniel Roussel-đạo diễn phim tài liệu "Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi" thổ lộ những cảm nghĩ về Đại tướng trong quá trình làm bộ phim này vào năm 1991:
"Tôi là một trong số rất ít đạo diễn có nhiều thời gian được trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết vào lúc đó, tôi đang nói chuyện với lịch sử, một con người vĩ đại. Tôi biết đang đứng trước mặt tôi là con người đã làm thay đổi lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là một phần của thế giới. Tôi đã lắng nghe ông một cách chăm chú, và như người Pháp hay nói, tôi như uống từng lời Đại tướng nói ra, tôi ghi chép rất nhiều, tôi quay phim, tôi đã quay hàng giờ, hàng giờ bằng phỏng vấn Đại tướng”.
Lê Tâm (tổng hợp) (Lê Tâm (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.