Tương lai của Haiti sau khi Tổng thống Moise bị sát hại sẽ ra sao?

Thứ hai, ngày 12/07/2021 19:30 PM (GMT+7)
Vài ngày sau vụ ám sát nhà lãnh đạo Haiti Jovenel Moise, những câu hỏi đang được đặt ra về việc làm thế nào để lấp đầy khoảng trống sau cái chết đột ngột của ông.
Bình luận 0

Sau đây là những viễn cảnh có thể xảy ra ở quốc gia Caribe nghèo khó, vốn đã chìm trong khủng hoảng an ninh và chính trị sâu sắc kể từ sau vụ án mạng kinh hoàng ngày 7/7.

Ba nhánh quyền lực suy yếu

Với việc nhánh hành pháp của Haiti bị lung lay bởi vụ sát hại Tổng thống, hai nhánh còn lại – lập pháp và tư pháp – cũng đang đối mặt với những áp lực to lớn bởi cuộc khủng hoảng thể chế nghiêm trọng diễn ra trong hơn một năm.

Moise đã không tổ chức cuộc bầu cử nào kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, khiến Haiti chỉ có 10 nhà lập pháp được bầu, chỉ bằng một phần ba Thượng viện.

Chính quyền của ông cũng không đề cử bất kỳ người thay thế nào cho các thành viên của Hội đồng tư pháp cấp cao khi nhiệm kỳ ba năm của họ kết thúc.

Marie Rosy Auguste Ducena, một luật sư của Mạng lưới Quốc gia Bảo vệ Nhân quyền, cho biết: "Việc tìm ra giải pháp là vô cùng khó khăn vì Jovenel Moise và nhóm của ông đã loại bỏ tất cả những phương án thay thế. Cho dù là quốc hội hay tư pháp, không có sự thay thế nào cả."

Tương lai của Haiti sau khi Tổng thống Moise bị sát hại sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Tương lai của Haiti sau khi Tổng thống Moise bị sát hại. Ảnh: MEAWW

Làm sao để lấp đầy khoảng trống?

Chỉ vài giờ sau khi Moise bị ám sát, Claude Joseph, người được bổ nhiệm làm Thủ tướng hồi tháng 4, tuyên bố rằng ông đang nắm quyền.

"Hiến pháp chỉ rõ ràng rằng tôi cần phải tổ chức bầu cử và thực sự chuyển giao quyền lực cho người được bầu," ông nói bằng tiếng Anh trong một chương trình phát sóng hôm 10/7 trên CNN.

Hiến pháp của Haiti quy định rằng trong trường hợp Tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, Thủ tướng sẽ nắm quyền. 

Mặc dù vậy, chỉ vài ngày trước khi qua đời, Moise đã bổ nhiệm Ariel Henry làm Thủ tướng tiếp theo của đất nước. Đề cử đó, được công bố hôm 5/7 trên văn bản chính thức của nước cộng hòa Haiti, khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi về tuyên bố nắm quyền của Joseph.

Trước nguy cơ thực sự về khoảng trống quyền lực quốc gia, hôm 9/7, 8 trong số 10 thượng nghị sĩ vẫn còn đương nhiệm đã ký tên vào một nghị quyết đề cử lãnh đạo Thượng viện Joseph Lambert làm Tổng thống lâm thời của đất nước.

Họ sẽ có một số hỗ trợ từ các đảng đối lập, nhưng thời hạn hiệu lực của tài liệu và cách nó sẽ được thực thi vẫn chưa rõ ràng.

Nhà phân tích chính sách của Haiti, Emmanuela Douyon cho biết: "Không thể phủ nhận rằng 10 thượng nghị sĩ là 10 quan chức được bầu còn lại duy nhất của đất nước, nhưng rõ ràng họ không phải là đại diện cho cả đất nước".

Tương lai của Haiti sau khi Tổng thống Moise bị sát hại sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Đất nước Haiti hiện đang lâm vào tình cảnh rối ren sau sự ra đi của Tổng thống Moise. Ảnh: Hindustantimes

Quân đội nước ngoài sẽ đảm bảo an ninh?

Đối mặt với khoảng trống quyền lực đột ngột, Claude Joseph yêu cầu Mỹ và Liên Hiệp Quốc gửi quân đến các địa điểm chiến lược của nước này bao gồm cảng biển và sân bay, nhưng một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm 10/7: "Mỹ không có kế hoạch cung cấp quân sự cho Haiti vào lúc này."

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc đã duy trì một lực lượng gìn giữ hòa bình khá lớn ở nước này từ năm 2004 đến năm 2017.

Douyon nói: "Kể từ khi họ rời đi, hãy nhìn vào những gì đang xảy ra: đất nước dần bị các băng đảng thâu tóm."

Các băng nhóm có vũ trang đã kiểm soát Haiti nhiều hơn kể từ đầu năm nay. Trận chiến bạo lực giữa các nhóm vũ trang ở phía tây Port-au-Prince đã khiến hàng nghìn cư dân sợ hãi phải chạy trốn.

Cảnh sát quốc gia chỉ tiến hành một chiến dịch lớn duy nhất chống lại các băng đảng vào tháng 3, và nó đã kết thúc trong thất bại: bốn cảnh sát bị giết, thi thể của họ không còn nguyên vẹn.

Hãy để người Haiti quyết định

Là nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước kể từ hôm 7/7, Joseph được sự hậu thuẫn chính thức của Helen La Lime, đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ở Haiti. Tuy nhiên lập trường của bà bị nhiều nhà lãnh đạo xã hội dân sự trong nước chê bai sâu sắc.

Douyon nói: "Điều này không phụ thuộc vào Liên Hợp Quốc. Chúng tôi không muốn trở về thời kỳ thuộc địa một lần nữa."

Bà nói: "Sau Black Lives Matter, sau tất cả các phong trào đòi trả lại chế độ nô lệ, đây không phải là lúc để các lực lượng nước ngoài cố gắng áp đặt những giải pháp đối với người Haiti."

Lê Phương (voanews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem