Tướng ở tiền phương

Nam Cường Thứ năm, ngày 15/10/2020 20:07 PM (GMT+7)
Ngay lúc tôi viết những dòng này, những chiếc xe cứu thương trắng đỏ chở thi thể các cán bộ hy sinh vụ sạt lở trạm kiểm lâm trên đường vào cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài. Đồng đội tìm được các anh dưới lớp lớp bùn đất, nhưng phẩm chất Bộ đội cụ Hồ nơi các anh lại tỏa sáng, mãi được tôn vinh.
Bình luận 0

1,4,6..., từng con số tang thương liên tục được cập nhật trên các mặt báo. 13 là con số cuối cùng, trong đó, có người trưởng đoàn là Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh QK4 cùng các thuộc cấp của ông. Ngoài ra còn có Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và một số cán bộ thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và 1 đồng nghiệp của chúng tôi ở Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế...

Sau hơn 3 ngày dầm mình dưới bùn lạnh, các anh đã được trở về bên đồng đội, bên người thân và gia đình.

Tướng ở tiền phương - Ảnh 1.

Trạm kiểm lâm 67 chỉ còn là đống đổ nát

Những ngày qua, cả nước hướng về Rào Trăng 3, nơi đoàn cứu hộ do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu gặp nạn, và cách đó chừng 20km, hàng chục công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị đất đá chôn vùi. Tất cả cùng cầu mong phép màu sẽ đến. Ít ai nghĩ rằng, một ngôi nhà 3 gian nằm thoai thoải bên ngọn đồi lại có ngày biến mất vĩnh viễn trong nháy mắt. Vậy mà thị phi trong thế giới ảo vẫn có cách để nói vào nói ra, đầy tàn nhẫn và bất chấp. Rằng, sao lại để một vị tướng vào cứu hộ; rằng sao không dùng trực thăng ngay ban đầu...

Nhận được thông tin về sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, chôn vùi hàng chục công nhân, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn công tác đi xác minh, kiểm tra để có phương án cứu hộ cứu nạn. Đoàn xuất phát lúc 14h ngày 12/10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16h, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được. Vì vậy, đoàn để lại ô tô, đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 (khoảng 13km). Đến 21h cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ.

Tướng ở tiền phương - Ảnh 2.

Những chiếc mũ lẫn trong bùn đất (ảnh: L.V.C)

Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22h ngày 12/10, đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm để sáng sớm hôm sau hành quân tiếp. Lúc 0h ngày 13/10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi đoàn đang nghỉ.

Trong trường hợp đau thương này, đã rõ ràng đây không phải đoàn đi làm nhiệm vụ cứu hộ ngay mà là đi xác minh, kiểm tra cụ thể và vạch ra các phương án cứu hộ cần thiết. Một vị tướng xông pha trận mạc, luôn sát cánh cùng thuộc cấp ở tiền phương như Thiếu tướng Man, sao ông lại có thể ở vòng ngoài? Nếu ông không vào tận nơi, không chứng kiến địa hình, không tận mắt đánh giá tổng thể, cụ thể vụ việc thì làm sao vạch ra được phương án? Cần phải nói thêm, thời tiết những ngày qua ở vùng rừng núi xung quanh thủy điện Rào Trăng 3,4 vô cùng bất lợi. Sạt lở, tắc đường, và mưa to gió lớn... Chỉ khi nào tận thấy Rào Trăng 3, trong điều kiện trực thăng không thể bay, không thể đáp thì lúc đó, chuyện cứu hộ mới được tính đến.

Tướng ở tiền phương - Ảnh 3.

Bữa cơm nuốt vội của đồng đội khi tìm các cán bộ đã hy sinh (CTV)

Trước khi được điều động về Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, địa phương có nhiều thiên tai bão tố, lũ lụt. Lúc còn ở Quảng Bình, trong các mùa mưa bão, ông luôn là người xông xáo, đi đầu đưa bộ đội xuống giúp dân gồng gánh chạy lũ vùng nội địa dọc sông Gianh hoặc vùng trũng 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. 

Những phóng viên từng nhiều lần phỏng vấn Tướng Man kể: Lũ sông Gianh mỗi lần dâng cao, mạn phía Châu Hóa, Văn Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Trường, Phù Hóa… (Quảng Trạch) nước chạm nóc nhà, tỉnh Quảng Bình lập Sở chỉ huy tiền phương ngay trụ sở UBND xã Cảnh Hóa thì đã thấy Thiếu tướng Nguyễn Văn Man tập hợp chiến sĩ, thuyền bè cứu hộ tức tốc vượt đỉnh lũ đi cứu dân ngay trong đêm. 

Thậm chí, nhiều phóng viên tác nghiệp trong mùa lũ, khi hỏi dân dọc sông Gianh, họ nói rằng, trong thiên tai thấy lính của tướng Man là coi như được cứu. Phải là một vị tướng như thế nào thì lính của ông mới được dân ca ngợi như thế.

Với một vị tướng có nhiều kinh nghiệm cứu dân trong thiên tai bão tố như Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, lần này ông lại làm trưởng đoàn đi kiểm tra, xác minh để lập phương án cứu hộ vụ Rào Trăng 3 như việc bình thường. Là tướng chỉ huy, ông nhất thiết phải vào thực tế, và như nhiều người đánh giá, đó là cách làm việc bài bản, kỹ lưỡng chứ không phải là khinh suất. Tướng Man là người tham mưu cứu hộ ở vùng lũ sông Gianh, Quảng Bình ở mức độ nhiều trận lịch sử chưa bao giờ sai.

Nhà báo Dương Minh Phong, một phóng viên ở Quảng Bình từng nhiều lần đi tác nghiệp lũ lụt với Thiếu tướng Man, đánh giá: "Sạt lở ở trạm kiểm lâm 67 là không thể tính toán, khi các đoàn cứu hộ dân sự không thể tiếp cận mà bộ đội lặng lẽ hành quân đi vào là một hành động chấp nhận nhiều rủi ro rồi. Tướng phụ trách kỹ thuật, tham mưu tác chiến như ông Man là luôn thực địa. Và không còn cách nào khác là phải đi bộ. Nếu không thực địa thì không làm gì được. Không nên nói cử trinh sát, quân cán. Thưa rằng trong đoàn có đủ thành phần. Tướng đi là để tổng quát các mũi giúp việc". 

Rất ngắn gọn, nhưng thế là đủ để nói thẳng với một bộ phận cộng đồng mạng, những người đang có góc nhìn khác, có phần cay nghiệt về cái chết đầy bất ngờ và không lường được của Thiếu tướng Man và đoàn công tác: Hãy thôi phán xét về sự hy sinh của họ, khi chưa hiểu được sự việc cụ thể diễn ra như thế nào. Một vị tướng sát cánh cùng binh lính, và những người lính sát cánh cùng nhân dân trong lúc hiểm nguy rủi ro vẫn chực chờ. Thật đáng trân trọng vô cùng. 

Ngay lúc tôi đặt bút viết những dòng này, những chiếc xe cứu thương trắng đỏ chở thi thể các cán bộ hy sinh vụ sạt lở trạm kiểm lâm trên đường vào cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài. Đồng đội tìm được các anh dưới bùn đất, nhưng phẩm chất Bộ đội cụ Hồ nơi các anh lại tỏa sáng, mãi được tôn vinh.

Trong bất kỳ hoàn cảnh thiên tai địch họa nào, sát cánh bên người dân là những người lính sẵn sàng hy sinh thân mình vì nhiệm vụ cứu dân.  Ám ảnh nhất hôm nay là những tiếng hú gọi đồng đội giữa rừng già. Còn ai đó không? Những tiếng gọi không lời đáp. Họ đã vĩnh viễn nằm lại đó, trên đường tìm cứu đồng bào mình. "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Nhiệm vụ chống giặc thiên tai không tiếng súng, nhưng  không thôi sự quả cảm và cống hiến, không thôi hy sinh mất mát

Tướng và quân, họ đã quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, họ coi đó là bổn phận, trách nhiệm và danh dự của người lính. Cuộc hành quân thời bình tới Rào Trăng, với sự hy sinh, một lần nữa là minh chứng cho sức mạnh dân tộc, tinh thần dân tộc trường tồn. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem