Tướng Vương: "Chỉ nổ súng khi đối mặt với đối tượng cực nguy hiểm"

Lương Kết Thứ ba, ngày 10/01/2017 17:08 PM (GMT+7)
"Khi tiến hành vây bắt đối tượng như Trần Trung Hùng tại Kom Tum (trang bị súng AK, K59, lựu đạn), chỉ huy của chúng tôi được quyền ra lệnh sẵn sàng nổ súng" - Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) đã nêu ví dụ khi giải đáp những băn khoăn về quy định nổ súng.
Bình luận 0

img

Vũ khí quân dụng các đối tượng ma túy vứt lại sau cuộc đấu súng với lực lượng công an tại Sơn La. (Ảnh: IT)

Chiều 10.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tại phiên họp, một số ý kiến đã bày tỏ băn khoăn về quy định nổ súng và đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm.

Giải đáp băn khoăn trên, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, tại điểm a khoản 2 điều 21 của dự thảo Luật có quy định việc nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định.

"Quy định đó gần như là nguyên tắc chung, nguyên tắc chính của người cầm súng, chỉ huy người cầm súng. Ví dụ biết rõ đối tượng có trang bị vũ khí quân dụng, như vừa qua lực lượng công an bắt giữ đối tượng Trần Trung Hùng ở Kon Tum, chỉ huy của chúng tôi được quyền ra lệnh sẵn sàng nổ súng, thậm chí sẵn sàng tiêu diệt  đối tượng. Bởi đối tượng được trang bị 1 khẩu AK + 31 viên đạn, 1 khẩu K59 + 9 viên đạn và 2 quả lựu đạn. Trong trường hợp đó, chúng tôi có quyền quyết định việc nổ súng luôn, bởi đã ở vào tình huống phải đối diện với đối tượng hết sức nguy hiểm" - Thượng tướng Vương nói.

Đối tượng Trần Trung Hùng (30 tuổi) là kẻ bắt cóc và chặt tay một nam thanh niên, sau đó bắn công an trọng thương. Vào giữa tháng 12.2016, đối tượng đã bị bắt giữ khi đang trốn tại căn nhà tạm trên đồi cà phê, lực lượng chức năng thu giữ được 1 khẩu súng AK và 1 khẩu súng K59 cùng đạn đã lên nòng...

Giải thích về quy định được nổ súng sau khi đã cảnh báo đối với những đối tượng đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, dẫn giải, áp giải do phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm đang chạy trốn hoặc chống lại, Thượng tượng Vương nói: "Thực tế cuộc sống diễn ra muôn hình, muôn vẻ".

Ông nêu ví dụ, ở Hải Phòng cách đây vài năm, có can phạm đang bị công an dẫn giải trên đường thì có nhóm đối tượng đến giải cứu cho đồng bọn. Chúng dùng dao để tấn công lại lực lượng áp giải.

"Các anh em công an của Hải Phòng lúc đó rất băn khoăn về chuyện được nổ súng hay không, cuối cùng có mấy cán bộ công an bị thương" - tướng Vương cho biết.

Đề cập đến quy định trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo, Thượng tướng Vương cho rằng, dự luật đã quy định chặt chẽ. Ông nêu một thực tế, trong 2 năm nay diễn ra 6 lần đấu súng giữa lực lượng chức năng và tội phạm ma túy tại Vân Hồ, Sơn La.

"Các đối tượng đó được trang bị vũ khí quân dụng, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng công an, chính vì thế lực lượng chức năng buộc phải nổ súng. Còn những đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy chỉ trang bị vũ khí bán vũ trang thì lực lượng chức năng chỉ nổ súng cảnh báo nếu chống cự có thể tấn công sát thương" - Thượng tướng Vương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem