Tuyên truyền phòng chống lao ở Vĩnh Phúc: Mưa dầm thấm lâu

Thứ bảy, ngày 29/09/2012 18:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ hiểu biết về bệnh lao, nhiều người dân ở Vĩnh Phúc đã đi khám, phát hiện bệnh và tự nguyện tới các trạm y tế xã uống thuốc đúng giờ. Đó là hiệu quả của những đợt tuyên truyền bệnh lao giữa nông dân với nông dân.
Bình luận 0

Tiếp cận bệnh nhân lao từ cơ sở

Được sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2011 – 2015 thực hiện qua T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tập huấn cho 180 cán bộ, hội viên nông dân tại 2 xã Liên Hòa và Sơn Lôi về cách phòng, chống lao trong cộng đồng.

img
Bệnh nhân lao tới nghe tư vấn tại Trạm Y tế xã Liên Hòa.

Ông Trần Quốc Quân – Trưởng ban Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thực tế cho thấy không ít người nhận thức còn hạn chế về bệnh lao, có tư tưởng chủ quan lơ là, do vậy bệnh âm thầm lây lan. Khi người nông dân được tập huấn, hiểu về bệnh lao, họ sẽ có cách tiếp cận phù hợp để cùng thuyết phục nông dân khác trong vùng phát hiện và điều trị bệnh”.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Minh, thôn Phú Ninh, xã Liên Hòa là một ví dụ. Đầu năm 2011, anh phát hiện mình có những dấu hiệu mệt mỏi, ho dai dẳng, sốt về chiều. Được các tuyên truyền viên trong câu lạc bộ (CLB) “Bạn giúp bạn” tư vấn, anh tới trạm y tế khám mới biết mình thuộc đối tượng nghi mắc lao nên đã tới trung tâm y tế huyện để làm xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán anh đã mắc lao và được điều trị ngoại trú.

“Cũng nhờ tham gia CLB mà tôi hiểu nếu không chữa trị đủ thời gian, liều lượng, bệnh sẽ tái phát vô phương cứu chữa. Vì vậy, tôi không lấy thuốc về nhà mà cứ 8 giờ sáng hàng ngày lại đến trạm y tế để uống và theo dõi sức khỏe. Đến nay tôi đã khỏi hoàn toàn và trở lại là lao động chính trong gia đình”- anh Minh chia sẻ.

Giúp bạn cũng là giúp mình

Bà Đỗ Thị Thu Loan – Trạm phó Trạm Y tế xã Liên Hòa chia sẻ: 6 tháng đầu năm 2012 Trạm Y tế xã Liên Hòa đã tư vấn cho hơn 33 trường hợp nghi mắc lao đi khám và điều trị. Sau khi tư vấn, các bệnh nhân chuyển lên tuyến huyện để làm xét nghiệm đờm, trường hợp nặng sẽ điều trị tấn công 2 tháng đầu và bệnh nhân phải điều trị nội trú tại huyện. Với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân được điều trị ngoại trú và hàng tháng đến trạm y tế xã để cấp thuốc.

Còn tại xã Sơn Lôi, ngành y tế cũng đã phát hiện và tư vấn cho 130 trường hợp nghi mắc lao, trong đó có 5 trường hợp chẩn đoán nhiễm lao AFB. Các bệnh nhân đều được hỗ trợ điều trị kịp thời để tránh lây lan.

Vĩnh Phúc hiện có gần 1.000 người mắc lao các thể, trong đó lao phổi chiếm 80% số người mắc lao ở 8/8 huyện, thị, thành phố. Số người mắc lao ở độ tuổi 15 – 64 chiếm 80%, hơn 50% số người mắc lao ở độ tuổi từ 20 - 42 tuổi, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Vĩnh Tường.

Có được kết quả này là nhờ các tổ phòng chống lao tại 2 xã Liên Hòa và Sơn Lôi đã xây dựng mô hình “Chi hội phát hiện lao sớm” và CLB “Bạn giúp bạn”. Tại xã Liên Hòa, CLB “Bạn giúp bạn” được thành lập năm 2011, gồm 60 thành viên tham gia.

Ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hòa, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Việc xây dựng CLB là cầu nối giữa bệnh nhân và cán bộ để người bệnh san sẻ, tâm sự và cùng chung tay phòng chống lao. Hơn nữa, chúng tôi hiểu giúp bạn chính là giúp mình, vì bệnh lao không lây lan thì các gia đình đỡ gánh nặng bệnh tật”.

Tại xã Sơn Lôi, mô hình “Chi hội phát hiện lao sớm” hiện đã thu hút 100 hội viên tham gia. Chi hội sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Lương Cầu, xã Sơn Lôi chia sẻ: “Cán bộ nói dễ hiểu lắm. Nghe cán bộ nói mà giờ đây bà con chúng tôi đã biết cách phòng chống lao và tránh lây nhiễm cho những người xung quanh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem