Ukraine dùng 'mồi nhử' bí ẩn bẫy tên lửa tối tân của Nga

Phương Đăng (theo Washington Post) Thứ ba, ngày 30/08/2022 17:14 PM (GMT+7)
Ukraine đang triển khai mồi nhử giống các hệ thống tên lửa tiên tiến của Mỹ để lừa lực lượng Nga bắn tên lửa hành trình tầm xa đắt tiền vào các mục tiêu giả, The Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ và Ukraine cho biết.
Bình luận 0
Ukraine dùng 'mồi nhử' bí ẩn bẫy tên lửa tối tân của Nga - Ảnh 1.

Một quân nhân Ukraine mở cửa chiếc xe được trang bị Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) ở miền Đông Ukraine vào ngày 1/7. (Ảnh: Anastasia Vlasova/he Washington Post)

Theo The Washington Post, các mồi nhử của Ukraine được làm bằng gỗ nhưng rất giống như các hệ thống tên lửa tiên tiến của Mỹ. Các mồi nhử này được cho là khó phân biệt được với một khẩu đội pháo thông qua ống kính của máy bay không người lái trinh sát của Nga. Điều này có thể khiến UAV trinh sát nhầm lẫn và truyền tín hiệu về vị trí của các mục tiêu giả tới các tàu trang bị tên lửa hành trình của Hải quân Nga ở Biển Đen.

“Khi các UAV quan sát thấy mồi nhử, nó trông giống như một mục tiêu VIP”, một quan chức cấp cao Ukraine mô tả việc các máy bay không người lái trinh sát của Nga chạm trán với các "mồi nhử" giống hệt pháo tầm xa.

Sau một vài tuần được triển khai, các mồi nhử đã lừa được ít nhất 10 tên lửa hành trình Kalibr. Thành công này đã dẫn đến việc Ukraine mở rộng sản xuất thêm "mồi nhử" để sử dụng rộng rãi hơn, quan chức cấp cao Ukraine hé lộ với điều kiện giấu tên vì không được thảo luận về các vấn đề quân sự nhạy cảm.

Việc sử dụng mồi nhử hệ thống tên lửa là một trong nhiều chiến thuật phi đối xứng mà lực lượng vũ trang Ukraine đang áp dụng để chống trả lại lực lượng Nga có quy mô lớn hơn và được trang bị tốt hơn.

Việc "mắc bẫy" rồi phá hủy nhầm các mồi nhử của Ukraine có thể giải thích việc Nga tự hào tuyên bố phá hủy một số lượng lớn bất thường các hệ thống pháo mà phương Tây gửi cho Ukraine, đặc biệt là Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao do Mỹ sản xuất, hay còn gọi là HIMARS.

"Họ tuyên bố phá hủy được nhiều hệ thống HIMARS hơn những gì chúng tôi đã gửi tới Ukraine", một nhà ngoại giao Mỹ bình luận.

George Barros, một nhà nghiên cứu quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington nhận định: “Nếu người Nga nghĩ rằng họ bắn trúng một hệ thống HIMARS, họ sẽ tuyên bố rằng họ đã bắn trúng nó. Nhưng thực tế các lực lượng Nga chỉ bắn trúng mồi nhử của hệ thống HIMARS".

Rob Lee, một nhà phân tích quân sự người Mỹ tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cũng tuyên bố: “Khi Nga bắn một tên lửa Kalibr vào một mục tiêu HIMARS giả trên thực địa, họ mất đi một tên lửa có thể được sử dụng để tấn công vào các thành phố của Ukraine".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem