Ứng cử viên ĐBQH trẻ tuổi nhất Quảng Trị nêu những vấn đề đang “bào mòn” giống nòi
Ứng cử viên ĐBQH trẻ tuổi nhất Quảng Trị nêu những vấn đề đang “bào mòn” giống nòi
Ngọc Vũ
Chủ nhật, ngày 16/05/2021 11:07 AM (GMT+7)
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trẻ tuổi nhất ở tỉnh Quảng Trị cho rằng, tệ nạn xã hội, thực phẩm bẩn, độc hại đang “bào mòn” giống nòi, ảnh hưởng đến tương lai đất nước.
Chị Trần Thị Như Quỳnh (SN 1987, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng Ban phong trào thanh niên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Trị) là ứng cử viên ĐBQH trẻ tuổi nhất ở tỉnh Quảng Trị.
Chị Quỳnh ứng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Đakrông, Hướng Hóa và huyện đảo Cồn Cỏ.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Quỳnh cho biết, trở thành ĐBQH là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trách nhiệm đối với niềm tin của tuổi trẻ toàn tỉnh đã gửi gắm.
Theo chị Quỳnh, những năm qua, vai trò, quyền lợi của thanh thiếu nhi và phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc tham gia hỗ trợ tư vấn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đoàn viên thanh niên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt, vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi còn hạn chế.
Vẫn còn rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, bạo lực đã dần len lỏi vào cuộc sống của thanh niên; vấn đề thực phẩm bẩn, độc hại đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà con nhân dân, ảnh hưởng đến giống nòi và tương lai của đất nước...
Cần cảm hoá thanh niên chậm tiến
Nếu được bầu làm ĐBQH, chị Quỳnh cho biết sẽ tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của bà con cử tri, đồng thời phản ánh trung thực các ý kiến đó với Quốc hội và giám sát giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị.
Tích cực nghiên cứu, nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn ứng cử để có những đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân. Qua đó, làm cơ sở cho việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Là cán bộ đoàn, chị Quỳnh đã lên kế hoạch nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên ngày càng vững mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng. Làm tốt vai trò của người đại diện, bồi dưỡng, chăm lo, bảo vệ và phát huy vai trò của thanh, thiếu nhi trong xây dựng quê hương Quảng Trị phát triển bền vững.
Đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề của tuổi trẻ như: các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kết nối các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - lập nghiệp, các chính sách về lĩnh vực nghề nghiệp và việc làm; các giải pháp đẩy mạnh hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư gắn với thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện cho trí thức trẻ phát huy trí tuệ, đóng góp sức lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Đặc biệt, Quốc hội cần chính sách tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho nhóm thanh niên yếu thế cơ hội phát triển, có điều kiện hội nhập cộng đồng toàn diện. Tăng cường công tác giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến, giúp đỡ họ tiến bộ.
"Tôi sẽ cùng với các tổ chức thành viên tập thể của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh như Hội Doanh nhân trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh kết nối nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động tình nguyện, các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe giúp đỡ các gia đình chính sách, các hộ gia đình và các em thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Đề xuất với các cơ quan chức năng tăng cường xây dựng các thiết chế sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên trên địa bàn, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa" – chị Quỳnh nói.
Là ứng cử viên nữ nên chị Quỳnh sẽ tích cực tham gia các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, phụ nữ vùng nông thôn, dân tộc ít người nói riêng. Tập trung phối hợp triển khai Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, phụ nữ nghèo, gia đình chính sách góp phần thực hiện mục tiêu các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm và chăm sóc sức khỏe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.