Ưu tiên cho thuốc nội

Diệu Linh Thứ năm, ngày 15/10/2015 06:41 AM (GMT+7)
Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho Luật Dược sửa đổi với mục tiêu vì người bệnh. Theo đó, thuốc nội sẽ được ưu tiên phát triển để người dân có được thuốc tốt với giá thành hợp lý.
Bình luận 0

Tăng trưởng 15%

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, Luật Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược Việt Nam phát triển, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ chỗ chỉ có  khoảng 50 cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP ASEAN (thực hành tốt sản xuất thuốc), đến nay, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt WHO-GMP là 142 cơ sở. Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân. Năm 2005, thuốc sản xuất trong nước có hơn 300 hoạt chất. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép... Thuốc sản xuất trong nước hiện đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam. Sản xuất thuốc trong nước đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân trung bình trên 15% trong khi tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 6%.

img

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Dược với mục tiêu vì người bệnh. Ảnh: D.L

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực có nền công nghiệp vaccine. Vaccine do Việt Nam sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng 12 bệnh. Trong thời gian tới, các đơn vị sản xuất vaccine đang nghiên cứu và đưa thêm một số vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng như vaccine 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib), vaccine sởi –rubella. Thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tương đương sinh học và hiệu quả điều trị tốt, nhiều nhóm thuốc và vaccine của Việt Nam được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam là 1 trong 37 quốc gia được WHO công nhận về tiêu chuẩn khắt khe về quản lý vaccine.

Tăng trách nhiệm bộ ngành

"Kết quả khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, giá thuốc trúng thầu tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần, giá thuốc thanh toán cho bệnh nhân tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần” .

Ông Trương Quốc Cường

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã từng chia sẻ, việc Bộ Y tế vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng các tiêu chuẩn, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa ghi toa, vừa bán thuốc chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá thuốc. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc. Nhưng các bộ, ngành có liên quan cũng phải tham gia quản lý giá thuốc như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Tài chính sẽ tham gia quản lý kê khai giá thuốc, nhập khẩu kê khai, bình ổn giá thuốc. Các UBND tỉnh, thành phố sẽ tham gia kiểm soát giá thuốc trên địa bàn...

Đồng thời, dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng nhấn mạnh nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc. Tuy nhiên, các cơ sở đó cũng phải minh bạch, công khai giá thuốc. Giá mua vào của các nhà thuốc không được vượt mức giá bán buôn của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu kê khai và được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược.

Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trên thị trường hiện nay có hơn 40.000 nhà thuốc bán lẻ. Việc yêu cầu bắt buộc các cửa hàng thuốc niêm yết giá giúp nhà quản lý kiểm soát giá thuốc. Đồng thời người dân cũng có thể so sánh giá thuốc giữa các hãng thuốc để đưa ra quyết định, không mua phải thuốc đắt. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem