Vá nồi ngày tháng Chạp ở quê tôi

Bài và ảnh: Nhất Huỳnh Thứ năm, ngày 12/02/2015 07:29 AM (GMT+7)
Ngày trước, mỗi khi tết đến, người dân quê tôi (Vũng Liêm, Vĩnh Long) ngoài việc trang hoàng nhà cửa, tất bật làm các loại bánh mứt, các món ăn truyền thống thì còn một việc tuy nhỏ nhưng phải làm cho xong trước ngày đưa ông Táo về trời đó là chà rửa nồi, chảo thật sạch, rồi lựa những cái nào bị sứt quai, lủng lổ đem ra chợ vá lại.
Bình luận 0
Hồi tôi còn nhỏ, khoảng chiều 20 tháng Chạp là mẹ tôi xắn tay dọn dẹp góc bếp. Ngày đó, góc bếp của mẹ nhỏ bé, đơn sơ với mấy cái nồi, chảo và cái bếp cà ràng do chính tay cha tôi nắn. Mẹ thường nói với cha tôi làm ra nó với tất cả tâm huyết của mình, cha phải lựa chọn đất sét mềm, dẻo, mịn rồi trộn với trấu để tạo độ kết dính; khi làm xong cha tôi còn nắn hoa văn, đường viền cho cà ràng thật bắt mắt. Vậy nên, mẹ tôi quí nó lắm, mỗi khi thấy tôi đụng chạm mạnh tay vào bếp là mẹ rầy rà ngay.
img
Người thợ vá nồi ở quê tôi. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Thương nhất là lúc mẹ đem mấy cái nồi, cái chảo dính lọ đen sì ra chùi, cực khổ vô cùng vì ngày trước làm gì có các loại nước rửa chén như bây giờ, mẹ  phải lấy xơ dừa khô để chùi nồi. Mẹ chùi đến mồ hôi nhễ nhại, mặt dính đầy lọ nghẹ cho đến khi cái nồi, cái chảo đã trắng tinh; mẹ tươi cười xếp chúng gọn gàng lên kệ, ngắm nghía hồi lâu.

Sáng hôm sau, mẹ lựa những cái sứt quai, lủng lổ đem ra chợ. Tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Nó bị hư, mẹ bán lấy tiền mua kem cho con ăn nghe mẹ!”. Mẹ tôi cười, xoa đầu tôi ngọt ngào: “Không đâu con, những cái nồi này sửa lại là dùng được, chưa đến mức bỏ đi đâu con!”. Thế là mẹ cóc cách đạp xe chở tôi đi chợ.

Tôi ngồi sau xe, tay cầm một cái chảo, còn hai cái nồi nhỏ mẹ để vào rổ xe đạp. Chợ quê những ngày gần tết thật náo nhiệt, người dân quê dù nghèo khó nhưng cũng ráng sắm sửa để có một cái tết đàng hoàng. Mẹ dừng xe ở góc chợ, nơi có một người đàn ông chắc cỡ tuổi cha tôi, đang gõ gõ với rất nhiều nồi, chảo.

Vậy là không phải chỉ có tôi mà rất nhiều người cũng đem nồi, chảo ra chợ cho ông ấy vá lại. Tôi nhìn quanh, thấy đồ nghề cũng khá đơn giản, mấy cái kéo, cái kềm, mũi khoan cùng với một tấm tôn phẳng khá lớn. Ông ấy đang miệt mài gọn dũa, đụt đẽo cái nồi, khéo léo cắt miếng tôn cho vừa vặn rồi đắp vào lổ thủng. Đâu chỉ vậy, từ miếng tôn đó, ông tỉ mỉ cắt ghép thành cái quai mới gắn vào những cái nồi, chảo bị sứt quai. Ngồi cạnh ông là một đứa trẻ chắc lớn hơn tôi mấy tuổi, tôi độ là con trai ông, đang nhìn ông làm không chớp mắt. Hết người này đến người kia mang nồi, chảo đến, cái to có, nhỏ có, ông làm không kịp tay…

Đó là chuyện của những ngày xưa, tôi nhớ đến tận hôm nay. Giờ đây, kinh tế khá giả, việc mua cái nồi, cái chảo mới rất dễ dàng nhưng người dân quê tôi ít nhiều vẫn giữ thói quen tự thuở nào: mang nồi, chảo thủng ra chợ vá lại chứ không bỏ đi. Hình ảnh người thợ vá nồi với đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh tường, kiên nhẫn làm mới từng cái nồi, cái chảo hư có thể sau này không còn nữa nhưng lại là ký ức khó quên, là nét đẹp chất phác, mộc mạc, đơn sơ của quê tôi mỗi khi tết đến, xuân về.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem