Vaccine sởi an toàn, hiệu quả

Thứ tư, ngày 23/04/2014 07:17 AM (GMT+7)
Ngày 22.4, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về điều trị bệnh sởi cho hàng trăm cán bộ y tế từ các bệnh viện phía Bắc. Tại đây có nhiều nhận định mới về phòng và điều trị sởi.
Bình luận 0
Di chứng lâu dài

Tại buổi tập huấn, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Một bệnh nhân (4 tháng tuổi, ở Hà Nội) vừa ra viện sau khi phải điều trị sởi 1 tháng lại phải nhập viện trở lại vì viêm phổi. “Như vậy, đối với nhiều bé, di chứng bệnh sởi sẽ còn lâu dài”.

Theo TS Dũng, sau khi trẻ bị sởi, nhất là đối với các trẻ ít tháng tuổi, bị biến chứng nặng, gia đình cần hết sức thận trọng trong việc chăm sóc trẻ. Vì sức đề kháng của trẻ suy giảm nên trẻ rất dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn. Ngoài việc cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin A, người nhà nên giữ vệ sinh cho trẻ, tránh tiếp xúc nơi đông người...

Hà Nội đang tiêm chủng miễn phí vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi.
Hà Nội đang tiêm chủng miễn phí vaccine sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi.

TS Phạm Nhật An – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ: Tuy tỷ lệ biến chứng viêm não bán cấp sau khi mắc sởi rất thấp nhưng lại để lại hậu quả lâu dài. Bệnh nhân sẽ nhập viện với biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi… Sau khi điều trị khỏi cũng sẽ kém nhận thức, thậm chí “ngơ ngơ”. “Biện pháp duy nhất để đề phòng sởi chính là tiêm vaccine. Vì thế cha mẹ đừng để mất cơ hội sống khỏe của con trẻ” – TS An nhấn mạnh.

Không lo thiếu vaccine

Lo ngại trước dịch sởi, ở nhiều tỉnh, thành phố, cha mẹ đang đổ xô đưa con đi tiêm phòng. Tại Hà Nội cũng đã mở thêm 30 điểm tiêm phòng miễn phí sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi tại các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện.

Ngày 22.4, Bộ GDĐT đã có công văn gửi các trường học trong cả nước về việc phòng chống ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi trong nhà trường. Bộ yêu cầu các trường phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, cách ly và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Thông báo ngay cho các đơn vị y tế sở tại khi phát hiện có trẻ em, học sinh, sinh viên mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.

Tùng Anh

Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ lại đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ mũi 3 trong 1 (phòng sởi, rubella, quai bị) khiến cho nhiều cơ sở tiêm dịch vụ hết vaccine. Chị Trần Thu Minh (Hà Nội) có con trai 3 tuổi cho biết: “Một số nơi tôi hỏi đều nói hết vaccine. Tôi lại không muốn tiêm vaccine miễn phí cho con vì lo ngại về chất lượng” – chị Minh cho biết.

Trước thông tin lo ngại về thiếu vaccine sởi, TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khẳng định, chỉ có một số nơi tiêm dịch vụ vaccine 3 trong 1 thì hết vaccine, còn vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì không lo thiếu.

GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định: “Vaccine sởi an toàn, hiệu quả và được đánh giá là một trong những vaccine tốt nhất mặc dù giá thành chỉ 6.000 đồng/liều”.

GS Hiển cho biết, trước tình trạng nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) bị mắc sởi, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu để có thể đưa ra các khuyến cáo mới nhất về hạ độ tuổi tiêm chủng hoặc có nên tiêm vaccine phòng sởi cho các bà mẹ trước khi mang thai hay không...

Theo Bộ Y tế, ngày 22.4, cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi. Trong ngày, có thêm 1 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.481 trường hợp mắc sởi tại 61/63 tỉnh, thành, trong đó 119 ca tử vong. Cùng ngày, Bộ Y tế ra thông điệp phòng chống bệnh sởi tới người dân. Theo đó, khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các cơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị...

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem