Tết có thể buồn, có xa, có nhớ, có tết nghèo gió bấc lạnh lùng, nhưng âm hưởng chủ đạo của Tết vẫn là vui, là hy vọng với mùa xuân. Tết kéo ta về với những bước lùi xa, có khi xa lắm, từ thời vẫn có ông bà, thầy u, có quê hương, làng xóm và phong tục mùa xuân đất Việt.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2013/images/2013-02-08/1436315441-tet_31_minh-hoa.jpg) |
Tết lung linh trong ký ức trẻ thơ. |
Ngày ấy, 28 tết, nhà tôi tổng vệ sinh bàn thờ. Ngày 29 “hoả đầu quân” nổi lửa đun nước sôi làm lợn. Tiếng lợn kêu eng éc làng trên xóm dưới, báo hiệu một mùa xuân đủ đầy. Bọn trẻ chúng tôi nghe tiếng chày giã giò bôm bốp đã thấy thèm, nhưng biết chắc hôm nay chưa được ăn vì chiều 30 mới cúng, nhưng cỗ lòng và nồi nước xuýt thơm ngậy mùi hành lá của hôm nay đã thu hết tâm trí. Mới chỉ nước xuýt thôi mà đã ứa nước miếng rồi. Lẹt đẹt vài tiếng pháo tép, có đứa nào sốt ruột quá đã gỡ trộm mấy quả để đốt thử. Canh hai bánh chưng gói xong bắt đầu luộc. Ôi cái nồi bánh chưng huyền thoại của dân tộc Việt! Bọn trẻ chăm chú vào mấy củ khoai nướng, sợ cháy, mắt vẫn nhìn lên chiếc vung nồi đang sôi lục bục. Ở đấy có mấy chiếc bánh chưng con của riêng chúng, được vớt ra trước, cứ theo dấu lạt buộc đứa nào cũng nhận ra ngay phần của mình. Thường thì sau khi nhận phần đều ngủ thiếp đi. Sáng 30 đã thấy bánh được nén vuông vắn, treo từng đôi trên chiếc sào tre. Hai chiếc bánh thờ được tháo lạt, thay áo mới bằng lá dong tươi, lạt nhuộm phẩm đỏ. Đó mới là tập 1 của “phim truyền hình” Tết cổ truyền. Tập 2 giao thừa, tập 3 sáng mồng 1, tập 4 mừng tuổi, chúc tết, cỗ bàn, du xuân, hội hè… “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”...
Tết năm nay hỏi người bạn có về quê không, có xe nhà, tự lái, đi đâu chả được? Bạn buồn vì trong nhà có đứa cá độ, hết một căn nhà và chiếc xe bạc tỷ. Bán nhà vào lúc này, bán xe bây giờ coi như mất nửa tiền. Trước tết cả tháng các công ty lữ hành đã quảng cáo tour xuân. Ông bà bạn già nói vào Sài Gòn ăn tết với con. Tôi bảo: “Cu kêu ba tiếng cu kêu/Mau mau tới tết dựng nêu ăn chè”. Trong ấy nóng, tết ăn bánh tét, dưa hấu, thịt kho Tàu, sao bằng uống rượu trong cái lạnh miền Bắc?”. Thì chúng nó không ra, sợ rét, thằng cháu chỉ quanh năm dép lê, quần lửng bảo cháu không biết đi giày và mặc comlê cà vạt. Mình cũng già rồi, ho hen kèn cử, tết coi như đi trốn rét là chính. Tháng Ba tôi ra, ta đi giỗ Tổ. Không chen được đâu ông ơi, gửi xe cách cổng đền 1km, đi bộ vào hết hơi, leo lên đến đền Hạ đã phải ngồi thở, rồi xuống. Mấy năm nay không đủ sức lên đền Thượng viếng mộ Tổ. Cũng phải nếu gặp các cụ quở cho không biết giữ thuần phong.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2013/images/2013-02-08/1436315441-tet_32_tran-chinh-duc.jpg) |
|
Bọn trẻ thì chỉ thích tết đi phượt lên Mẫu Sơn, Sapa nghịch tuyết. Có đứa đi Cao nguyên đá. Có đứa vào Nha Trang để mặc váy mỏng, đầu trần dạo bờ biển giữa lúc Hà Nội co ro. Tết bây giờ chỉ là một kỳ nghỉ, nhất là năm nay Nhà nước cho nghỉ đến 9 ngày. Chưa bao giờ được nghỉ dài như thế. Hay là bây giờ hết việc, suy thoái, không làm được gì thì nghỉ ăn chơi?
Nhà báo Trần Chinh Đức sinh năm 1945. Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập báo Lao động, Tổng Biên tập báo Nhà báo công luận, nổi tiếng với bút danh Lý Sinh Sự. Nhiều năm liền ông là cộng tác viên thân thiết của NTNN.
Có một tổ chức thế giới xếp Việt Nam là nước thứ nhì thế giới về chỉ số sống hạnh phúc. Nhưng nếu điều tra mức sống với các chỉ tiêu về chất lượng sống, về văn hoá... thì phải xem lại. Năm nay tổ chức Minh bạch thế giới lại xếp ta đứng thứ 123/176 quốc gia về chống tham nhũng. Viện Gallúp (Mỹ) cũng xếp Việt Nam đứng thứ 13 trên 150 nước toàn cầu về vô cảm. Họ cũng có lý khi đưa ra 5 cảm xúc tích cực hàng ngày (nghỉ ngơi đầy đủ, được tôn trọng, được hưởng thụ, cười nhiều, biết hoặc làm điều gì đó thú vị) và 5 cảm xúc tiêu cực (giận dữ, căng thẳng, buồn phiền, đau đớn thể chất, lo lắng) hàng ngày. Chỉ nghe các tiêu chí ấy đã phải cam chịu mình thuộc yếu kém. Còn tham nhũng chắc chẳng ai bàn cãi.
Cuối cùng ta vẫn chọn mùa xuân, sự khởi đầu của những điều tốt đẹp. Chưa có nhiều lạc quan nhưng bi quan không bao giờ là lối thoát hiểm. Dù gì ta vẫn là ta, là dân của nước “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, dù Tết này lương chưa tăng, thưởng ít, dịch bệnh nhiều phải ăn thịt gia súc, gia cầm nhập ngoại. Đã thế còn nhập hàng thải loại như các bà các cô vẫn diện quần áo “hàng thùng” cười nói bả lả đi trẩy hội nước non!
Trần Chinh Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.