Xuống cấp không được sửa
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, hiện nay vùng bảo vệ I (vùng lõi) của di sản này đang có 292 hộ dân sinh sống, thuộc 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Trong đó, thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long có 167 hộ, 2 thôn Tây Gia và Xuân Gia ở xã Vĩnh Tiến có 119 hộ.
|
Những ngôi nhà của người dân sống trong vùng lõi Thành nhà Hồ. |
Sau khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tiến hành khảo sát, kiểm kê, thì phát hiện có tới 40 công trình (nhà ở của dân) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án nào để cho người dân sửa chữa, cải tạo… Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã làm báo cáo lên Sở VHTTDL Thanh Hóa về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Đỗ Quang Trọng- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, tiến hành kiểm tra, rà soát và kiểm kê tổng thể các công trình của người dân đang sống trong vùng lõi di sản. Khi kiểm kê, chúng tôi thực hiện chụp hình nguyên trạng của công trình, lập biên bản để từng hộ dân ký cam kết không xây dựng công trình mới làm ảnh hưởng đến quy định trong Luật Di sản”.
“Di sản phải được sống trong lòng nhân dân, chứ không phải tách biệt ra với dân. Vì vậy, tỉnh đang khẩn trương tiến hành quy hoạch tổng thể, để làm sao cho phù hợp với không gian kiến trúc, giữ được nét đẹp truyền thống từ hàng trăm năm qua của di sản. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có thời gian”- ông Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một thực tế ở khu vực bất khả xâm phạm của Di sản Văn hóa Thế giới này, nhiều hộ dân đang rất bức bách trong vấn đề cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà ở của mình. Bởi lẽ, ngôi nhà của họ đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập, đổ bất cứ lúc nào, hoặc người dân cần cải tạo, nâng cấp nhà cửa để ở cho thoải mái thì chính quyền và các ngành chức năng không cho phép.
Thí dụ, trường hợp của gia đình ông Thiều Quang Tuấn và bà Thiều Thị Thủy ở thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến. Vào ngày 12.7.2012, bà Thủy đưa máy xúc san lấp mặt bằng và tập kết vật liệu xây dựng chuẩn bị xây dựng một số công trình kiên cố trong khu vực hào thành, cách cổng thành phía nam khoảng gần 100m thì cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phát hiện, báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản yêu cầu bà Thủy dừng xây dựng.
Tuy nhiên, gia đình bà Thủy rất đông người, có tới 7- 8 khẩu, nên không có chỗ ở. Vì vậy, họ phải xây tạm nhà không có bê tông cốt thép để ở. Mặc dù chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ địa chính, công an và trưởng thôn giám sát, yêu cầu đình chỉ ngay việc xây dựng để chờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng nhưng rồi họ vẫn “lén lút” xây dựng vào ban đêm hoặc những ngày nghỉ. Và, sau đó mọi chuyện cũng… không ai nhắc đến nữa.
Vượt quá thẩm quyền
Ông Nguyễn Đức Hà - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến - cho rằng, thực tế hiện nay, vấn đề nhu cầu nhà ở của người dân sinh sống trong vùng lõi Thành Nhà Hồ đang trở nên bức bách. “Vấn đề này vượt quá tầm của xã nên chúng tôi cũng rất nóng lòng chờ đợi các giải pháp từ cấp trên. Còn nhu cầu nhà ở của người dân là thiết thực.
Người dân được Nhà nước cấp quyền chứng nhận sử dụng đất, vì vậy họ có quyền cải cải tạo, sửa chữa ngôi nhà của mình khi bị dột nát, xuống cấp là đúng. Do đó, các cấp có thẩm quyền cũng cần có phương án và giải pháp để giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài với di sản và ngay trên chính mảnh đất của họ đã ở từ lâu đời”- ông Hà nói.
Đồng quan điểm này, ông Trịnh Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc - cũng cho rằng: “Vốn dĩ, người dân ở vùng lõi đã “sống chung” cùng với Thành Nhà Hồ cách đây hơn 600 năm. Nếu không có dân bảo vệ, thì có lẽ di sản này đã không còn tồn tại. Vậy sau khi di sản được vinh danh thì làm thế nào để người dân “sống chung” và “sống tốt hơn”. Đây là vấn đề không đơn giản. Khi phát hiện có trường hợp vi phạm, xâm phạm vùng bảo vệ di sản, thì cấp huyện cũng chỉ dừng lại ở góc độ đề nghị thôi, chứ không thể quyết định được”.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết: Ngày 13.12.2012, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo huyện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long tổ chức rà soát các hộ dân đang nằm trong khu vực I của di sản để báo cáo về tỉnh có hướng giải quyết, tránh ảnh hưởng đến Di sản Thành nhà Hồ. Hiện nay, quan điểm của tỉnh và ngành văn hóa là để người dân “sống chung” cùng di sản, chứ không phải là khi được công nhận là di sản, thì bốc dân đi nơi khác.
Vì vậy, tỉnh đang chỉ đạo nếu nơi nào xuống cấp thì cho sửa chữa lại, để đảm bảo an toàn tính mạng và đời sống người dân. Còn xây mới, thì trước mắt vẫn chưa được phép. Nếu gia đình nào có nhu cầu tách hộ thì cấp đất tái định cư mới cho dân.
(Còn nữa)
Thế Lượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.