Dân bản bình thường chỉ dám đứng xa nhìn về phía rừng thiêng, không ai dám phạm, chỉ đến ngày cúng rừng 30.2 âm lịch hàng năm mới đội lễ vào để thầy mo làm lễ cúng.
Lễ cúng rừng của dân bản thường diễn ra từ 9-10 giờ và kết thúc vào khoảng 16 giờ.
Ngày thường không ai dám vào gần khu miếu thờ thần rừng của bản nên ngày cúng rừng là dịp để bà con dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ khu miếu thờ. Dưới sự chỉ huy của trưởng bản, đoàn mang lễ vật đi đầu là thầy mo phân công nhau vệ sinh miếu thờ, tìm đá, kê bếp để chuẩn bị cho việc chế biến các đồ lễ cúng và các món ăn trong ngày lễ.
Trước khi cúng thức ăn chín, thầy mo mang con lợn sống đã bị trói đến đặt cạnh miếu thờ, đặt lên mình nó 3 thếp giấy tiền âm (thường là loại giấy bản trắng truyền thống của người dân nơi đây). Thầy mo lấy chai rượu mới rót ra ba chiếc chén đặt trên ban thờ, sau đó châm ba nén nhang gọi thần rừng về nhận lễ. Sau thủ tục đó, thầy mo xách con lợn đi vòng quanh phía trước miếu thờ ba vòng từ trái qua phải mang ý nghĩa giao lợn cho thần rừng về nhận lễ.
Hoàn thành thủ tục khấn sống, thầy mo cho phép trai đinh trong bản đem lợn đi mổ, luộc lên để chuẩn bị lễ cúng chín. Lá dong hoặc lá chuối được rải xuống khu đất trống trước miếu thờ ở vị trí chính giữa làm mâm thờ và đặt lên đó thủ lợn cùng đủ phần đuôi, bốn chân, gan, tim, phổi, dạ dày, vàng hương ba thẻ, rượu ba chén, giấy vàng một thếp, một bát gạo và một bát nước (mang ý nghĩa cho mưa thuận gió hoà). Nghi lễ cúng chín của thầy mo chỉ 5-10 phút.
Trong lễ cúng rừng bao giờ cũng có một thủ tục rất quan trọng diễn ra sau lễ, trước hội: Trưởng bản tập trung mọi người trong bản lại trước miếu thờ thần rừng, đọc lại bản quy ước bảo vệ rừng để mọi người đóng góp ý kiến và khi đã thống nhất rồi thì suốt năm không được vi phạm. Chính nhờ lễ cúng linh thiêng như thế mà những cánh rừng nơi đây từ bao đời đến giờ vẫn bạt ngàn xanh, thâm nghiêm, huyền bí...
Vĩnh Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.