Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vượt chặng đường dài, dưới cái nắng chói chang của mùa hè gian nan vất vả, xe tôi dừng trước chợ Tri Tôn. Bạn đón sẵn, mời tôi vào nhà chiêu đãi với ly nước thốt nốt ngọt thơm, thanh mát; rồi sau đó cả hai đi vào chợ tìm hiểu những đặc sản nơi đây.
Trước khi đến, trong tôi luôn có suy nghĩ đây chỉ là ngôi chợ quê tuềnh toàng vắng vẻ. Nhưng trái lại, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự trù phú, tấp nập của chợ nơi đây. Ấn tượng nhất là đầy đủ các loại rau, củ, quả sản vật vườn nhà; những thau ốc ngồn ngộn đủ chủng loại như ốc bươu, ốc lác, ốc đá... ken đầy cặp sát lề lộ. Thấy tôi ngạc nhiên, anh bạn chỉ từng thau ốc và giải thích rõ đặc điểm từng loại đặc sản quê nhà, trong đó có con ốc đá.
Những con ốc đá được bày bán nơi chợ Tri Tôn (Ảnh: BCT)
Để thị phạm, anh bạn cầm nắm ốc trên tay, cho biết:
Tri Tôn là vùng bán sơn địa, sát biên giới nước bạn Campuchia. Nơi đây toàn đá pha cát nên rất thích hợp cho loài ốc nầy. Vào mùa hè, ruộng đồng khô hạn, ốc đá vùi dưới đất, ban đêm hé miệng hứng sương để sống nên thịt ốc rất mập, sạch và ngon. Ốc đá có hình dáng tương tự như ốc bươu, ốc lác, nhưng phần đuôi tròn, thân màu vàng nhạt, vỏ cứng, thịt ốc trắng, mềm, ngọt...
Ốc đá chế biến được nhiều món ăn rất đặc sắc như: nấu cà-ri, dồn thịt hấp lá sả (hoặc lá gừng), nướng bơ. Nhưng bữa tối, bạn tôi thết đãi món “Ốc đá treo giàn bếp”. Nghe tên món ăn lạ, trí tò mò trong tôi càng thôi thúc, nên đề nghị bạn “bật mí” sơ sơ về món ăn “độc đáo” nầy.
Đĩa ốc đá treo giàn bếp đã luộc xong, trông thật bắt mắt, ngon khó cưỡng. (Ảnh: BCT)
Theo bạn, đây là món ăn khá cầu kỳ, tốn nhiều công sức, không thưởng thức ngay được mà cần có thời gian chuẩn bị từ trước. Ốc bắt được về chưa vội luộc ngay mà đem tất cả bỏ vào bao vải thưa đem treo nơi giàn bếp. Khoảng nửa tháng sau, những thức ăn dự trữ trong ruột ốc không còn gì, ruột ốc sạch trơn. Thế là, đập trứng gà (hoặc vịt) vừa đủ so số lượng ốc cho vào thau. Dùng đũa đánh trứng cho đều, pha thêm một ít nước, rồi trút ốc vào. Sau những ngày bị bỏ đói, lũ ốc :hả hê” hút sạch phần trứng. Cuối cùng, bắt ốc bỏ vào nồi cùng với vài tép sả (hoặc lá ổi, lá chanh) cho có mùi thơm, đem chưng cách thủy khoảng 15 phút khi thấy mài ốc hở, nhắc xuống múc ra dĩa, và chuẩn bị thêm một chén nước mắm sã ớt (hoặc chén cơm mẻ sả ớt) là đủ!.
Bữa ăn đã sẵn sàng với món ốc đá treo giàn bếp thơm lừng hấp dẫn. Tôi cùng bạn ngồi “đối ẩm” trước sân nhà trong khung cảnh yên ả của buổi chiều tà cuối tuần!. Thật thú vị khi chúng tôi vừa trò chuyện, vừa dùng gai quýt lể cái ruột ốc trắng phau ra khỏi vỏ, chấm vào chén nước mắm sả, chanh tỏi ớt, đưa lên miệng nhai và cảm nhận được hương vị dai, giòn, thơm của thịt ốc, béo ngọt của trứng… Thêm chất “men cay” vào nữa càng khiến cho câu chuyện giữa hai chúng tôi trở nên râm ran bất tận về một món ăn “độc nhất vô nhị” nơi vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, lại do chính tay bạn mình chế biến. Quả thật, “nghề ăn cũng lắm công phu”!.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.