Vi khuẩn “ăn thịt người”: Nguy hiểm nhưng hiếm gặp

Thứ hai, ngày 20/05/2013 16:54 PM (GMT+7)
Dân Việt - Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, đây là bệnh nguy hiểm nhưng hiếm gặp, chủ yếu ở những người làm nghề tiếp xúc với môi trường nước bẩn.
Bình luận 0

Trước thông tin hàng chục người Việt nam mắc bệnh nhiễm trùng huyết do virus “ăn thịt người” - Aeromonas Hydrophyla (AH), bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, đây là bệnh nguy hiểm nhưng hiếm gặp, chủ yếu ở những người làm nghề tiếp xúc với môi trường nước bẩn.

Theo bác sĩ Cấp, vi khuẩn AH là vi khuẩn phố biển trong môi trường nước bề mặt nhưng thường gây bệnh cho thủy sản như cá tôm, và các loai ếch nhái. Chúng có thể gây tiêu chảy ở người hoặc nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng huyết và ở các ổ nhiễm trùng khu trú. Tuy nhiên, người dân không nên hoang mang vì vi khuẩn AH rất ít gây bệnh cho người.

img
Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn AH đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư

Bác sĩ Cấp cho biết, từ năm 2010-2011, đối với 10 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với vi khuẩn AH được điều trị tại viện thì 8 người đã tử vong. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, sốt cao nhưng chỉ có 3 trường hợp có tiêu chảy, ban hoạt tử trên da.

7 bệnh nhân không xác định được yếu tố phơi nhiễm ngoài một số người bị rách chân tay khi lội cống rãnh, ao hồ bẩn. Có bệnh nhân làm công nhân vét cống, có người làm ở khu vực ngâm bè nứa, cá biệt trường hợp bắt cá bị cá ngạnh đâm vào tay gây nhiễm trùng huyết.

Ông Cấp cho biết, bệnh AH là mối nguy cơ đối với những người lao động, tiếp xúc với nước bẩn mà thiếu trang bị phòng hộ như người đánh cá, nuôi cá, tôm, những người làm ở bè tre nứa, nông dân canh tác ở đồng nước, công nhân vệ sinh cống rãnh…

Những bệnh nhân này đều có biểu hiện khởi phát bệnh là sốt, sau đó xuất hiện sưng nề ở các vết thương, rồi nhanh chóng lan rộng, dưới da xuất hiện các viết hoại tử, vàng da, vàng mắt tăng dần, nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị suy đa tạng và tử vong.

img

Theo bác sĩ Cấp, vi khuẩn AH rất dễ tiêu diệt bằng kháng sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn AH rất cao có thể là do bệnh hiếm gặp nên việc điều trị chưa chính xác, trong khi bệnh tiến triển nhanh nên bệnh nhân bị hoại tử da và mô mềm nhiều, dẫn đến việc suy đa tạng.

Do đặc điểm viêm mô mềm hoại tử, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh, có vết thương, xây xát và tiếp xúc với nước bẩn, bùn có vi khuẩn AH. Do trình trạng các tổ chức bị viêm nhiễm và hoại tử nhanh chóng, nên vi khuẩn này được đặt biệt danh là “vi khuẩn ăn thịt người”

Vì thế, theo ông Cấp, sau khi đi lội nước về, đặc biệt là những người tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, gặp sây sát, thương tích thì nên vệ sinh sạch sẽ. Nếu sau đó bị sốt, vết thương sưng tấy, xuất hiện các vết đốm đỏ (hoại tử) dưới da thì nên đến các cơ sở y tế tuyến trên để được điều trị kịp thời. Những người làm nghề tiếp xúc với môi trường nước bẩn (cống rãnh, ao tù) thì nên có bảo hộ cẩn thận, tránh bị các vết thương hở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem