Vì sao Bộ LĐTBXH “tự tin” khẳng định tỉ lệ thất nghiệp Việt Nam thấp so với mặt bằng chung thế giới?

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 06/06/2023 13:07 PM (GMT+7)
Những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi nhất cho bộ trưởng Bộ LĐTBXH phiên trong chất vấn sáng nay (ngày 6/6) đó là các vấn đề về thị trường lao động, tỉ lệ lao động thất nghiệp, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm…
Bình luận 0

"Thị trường lao động của Việt Nam còn non trẻ"

Mở đầu cho phiên chất vấn, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vào sáng nay (ngày 6/6), ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã có những chia sẻ về thị trường lao động. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định thị trường lao động của chúng ta đang đi đúng hướng, vận hành theo quy luật thị trường lao động.

Chính phủ đang cố gắng để thị trường lao động là 1 trong 5 thị trường mạnh của nền kinh tế. Thực tế hiện nay thị trường lao động cũng đang là thị trường thiết yếu của nền kinh tế. Tuy vậy, thị trường lao động của Việt Nam còn non trẻ, chưa đủ sức để hội nhập, kể cả quy mô, chất lượng… nên việc chủ động ứng phó còn yếu, chưa tốt.

Về vấn đề lao động, Bộ trưởng nêu con số, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý IV. Trong đó, ngành nghề cơ bản thâm dụng lao động như dệt may 7,2 triệu đồng, điện tử 9 triệu đồng. Hệ thống doanh nghiệp cố gắng rất lớn, san sẻ với phương châm khi làm ăn thăng tiến cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy chưa cải thiện nhiều, về cơ bản chính sách lương tối thiểu, thu nhập bình quân đã đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.

thị trường lao động

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi liên quan tới nhóm vấn đề về thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Phạm Thắng

Dù vậy, Bộ trưởng xác nhận, lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là với nữ công nhân ở các khu công nghiệp.

Ngay trong phiên mở đầu, nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý thị trường lao động có vấn đề, các trung tâm dịch vụ việc làm công chưa đáp ứng nhu cầu…

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nhận định: “Năm 2023 kinh tế nước ta đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động, việc làm đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng mất việc làm diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, Báo cáo của Bộ LĐTBXH lại cho thấy, tình trạng lao động mất việc làm ở nước ta thấp”.

“Lao động nữ sau tuổi 40 bị sa thải nhiều, nhiều lao động không tìm được việc làm mới, đa số người mất việc rơi vào nhóm này. Nhiều người trong độ tuổi nuôi con nhỏ phải mang theo con về quê…

Giải pháp là chủ động đào tạo từ sớm từ xa cho lao động nữ để nếu có mất việc giúp lao động nữ tìm lại việc, đồng thời hỗ trợ đảm bảo các chính sách ổn định cuộc sống, chế độ học hành cho con cái…”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bà Nga gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị bộ trưởng giải trình rõ về những đánh giá và số liệu của báo cáo đã sát với thực tiễn hay chưa đồng thời làm rõ thông tin dự báo và giải pháp cho thị trường lao động trong thời gian tới.

Trả lời về câu hỏi chất vấn của bà Nga, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Về tính xác thực của các báo cáo đánh giá, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, con số tỉ lệ thất nghiệp 2,25% là đánh giá khách quan, khoa học, theo tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra.

Con số này là kết quả khảo sát thực hiện trong 1 tuần trước thời điểm công bố, theo tiêu chí đánh giá “thất nghiệp” là tình trạng người lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc, nhưng không có việc làm, thậm chí không làm việc dù chỉ 1 giờ, sẵn sàng làm việc, không có việc làm hoặc đang tìm việc.

Ngoài áp tiêu chí đó, Tổng cục thống kê còn mở rộng thêm một số tiêu chí theo khuyến cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Theo đó, những ý kiến đánh giá độc lập, đối soát đánh giá của Tổng cục thống kê cơ bản là trùng nhau.

Sẽ sửa đổi chính sách liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động

Cũng trong buổi chất vấn sáng nay, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về các vấn đề liên quan tới vai trò nhiệm vụ và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)….

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng Trung tâm dịch vụ việc làm công là đơn vị thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ chi trả BHTN, tuy đã có cố gắng rất nhiều nhưng các hoạt động của đơn vị này vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người lao động. Sắp tới sửa Luật Việc làm, Bộ sẽ chú ý nhiều hơn tới vấn đề này nhằm nâng cao năng lực tư vấn giới thiệu việc làm, cũng như thống kê, dự báo thị trường lao động của trung tâm.

Hiện nay các tâm giao dịch việc làm được giao cho Sở và các địa phương quản lý, Bộ LĐTBXH cũng đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả của các trung tâm này. Đồng thời, chỉ đạo thêm các trung tâm tăng cường các hoạt động kết nối sàn giao dịch việc làm. Hiện nay ở các quốc gia thế giới người ta vẫn dựa vào đơn vị dịch vụ công này để thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm. 

bảo hiểm thất nghiệp

Các đại biểu chất vấn bộ trưởng Bộ LĐTBXH về các vấn đề thực hiện chính sách BHXH. Ảnh: Phạm Thắng

Về vấn đề thực hiện chính sách về BHTN, ông Dung cho biết, Luật Việc làm đã có quy định cụ thể về chính sách đóng – hưởng BHTN. Luật cũng quy định rõ đối tượng, phạm vi thực hiện. BHTN thực sự trở thành “bà đỡ” cho người lao động không may thất nghiệp, tuy vậy việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề, cần phải khắc phục.

Hiện nay quỹ BHTN đang kết dư quỹ hơn 60.000 tỷ. Vừa qua Quốc hội đã chi 41.000 tỷ chi hỗ trợ lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, giúp lao động có niềm tin, hào hứng hơn khi tham gia BHTN.

Thời gian tới khi sửa Luật Việc làm, Bộ LĐTBXH cũng sẽ nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này để BHTN phát huy tác dụng, hiệu quả toàn diện trong việc hỗ trợ người lao động, thực sự là “bà đỡ” cho người lao động.

“Chúng tôi cũng đề xuất BHXH tập trung xử lý nguồn kết dư này hiệu quả hơn theo hướng hỗ trợ trực tiếp lao động, hỗ trợ đào tạo cho lao động, hỗ trợ giảm mức đóng cho doanh nghiệp… Bộ LĐTBXH sẽ có đề xuất trình Chính phủ chi tiết hơn khi sửa Luật Việc làm”, ông Dung nói.

Chia sẻ thêm về  thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh, quy mô lao động của Việt Nam đạt hơn 51 triệu lao động, tỉ lệ thất nghiệp hơn 2%. Với tỉ lệ này chúng ta có thể kiểm soát được. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên quá bi quan trước tình hình thị trường lao động.

Dự báo thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, đặc biệt với ngành hàng thâm dụng lao động nhiều, trong đó giày da, dệt may, túi xách, sản xuất hàng xuất khẩu…

“Tôi đã từng trao đổi với các đại biểu TP.HCM, thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã bào mòn tích lũy của người lao động, cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta không quá bi quan. Với quy mô thị trường lao động trên 51,2 triệu người, số thất nghiệp chính thức là 297.000 thì chúng ta vẫn hoàn toàn kiểm soát được. Thực tế, năm 2021 cả nước từng lo lắng về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung cứng nhưng Việt Nam đã không để tình trạng đó xảy ra”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Dung cũng cho biết thêm, Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã và đang chủ động ứng phó, xúc tiến nhiều nhà đầu tư, đốc thúc nhiều giải pháp ổn định thị trường lao động. Chúng ta sẽ làm nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đảm bảo phát triển thị trường lao động”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem