Vì sao Copa America 2011 quá nhạt nhẽo?

Thứ năm, ngày 07/07/2011 06:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau lượt đấu đầu tiên của vòng bảng Copa America 2011 với 6 trận, chỉ có vẻn vẹn 8 bàn thắng được ghi - con số quá ít so với kỳ vọng.
Bình luận 0

Các chủ công không có lỗi

Copa America 2011 hội tụ hàng loạt chân sút thượng thặng với đẳng cấp đạt tầm thế giới. Chẳng cần suy nghĩ nhiều và cũng khỏi phải tra Google, một cổ động viên bóng đá có thể kể vanh vách tên những tiền đạo xuất chúng dự giải như Messi, Tevez, Aguero, Lavezzi, Milito (Argentina), Neymar, Pato, Robinho (Brazil), Falcao, Rodallega (Colombia), Forlan, Suarez, Cavani (Uruguay), Santa Cruz (Paraguay), Sanchez, Suazo (Chile) Guerrero (Peru), Dos Santos (Mexico)…

Ngay đến đội bóng yếu ớt cỡ Venezuela cũng có tiền đạo đa năng Arango vốn chẳng phải tay vừa. Nói tóm lại, về mặt “máy ghi bàn” mà nói thì Copa America 2011 toàn “hàng khủng”.

img
Pato (9) đang khiến người hâm mộ Brazil thất vọng về năng lực ghi bàn tại Copa America 2011.

Danh tiếng lẫy lừng thế, nhưng bất ngờ ở chỗ, sau 540 phút so tài từ đầu giải, cả 12 đội chỉ được ăn mừng tổng cộng có 8 lần, trong đó các tiền đạo chỉ trực tiếp “nổ súng” ba lần.

Thực trạng khan hiếm bàn thắng này khiến không chỉ ban tổ chức, các cổ động viên mà… Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cảm thấy phiền lòng bởi trước giải, Ngân hàng Santander - nhà tài trợ chính của giải đã tuyên bố sẽ tặng UNICEF 1.000USD/bàn thắng. Cứ cái đà này thì đến hết giải, số tiền UNICEF được nhận chẳng đáng bao nhiêu!

Trên thực tế, kỹ năng phòng ngự của đa số các đội dự giải chẳng lấy gì làm xuất sắc. Hầu hết các đội cũng nhập cuộc với quyết tâm chiến thắng hơn là tâm lý sợ thua (nhiều đội đá với sơ đồ 3 tiền đạo) và các chân sút cũng chơi đầy nỗ lực nhưng họ vẫn bất lực trong việc xuyên thủng mành lưới đối phương.

Có thể khẳng định là, các chủ công không hoàn toàn có lỗi bởi họ nhận được sự hỗ trợ quá ít từ tuyến dưới. Mạnh đến cỡ như Argentina, Brazil mà cứ than thở “đối phương đá xấu, toàn dựng xe bus trước gôn” một phần do các tiền đạo bị kèm chặt, nhưng lỗi lớn là vì hàng tiền vệ chơi quá thiếu sáng tạo.

Đừng bao giờ đòi hỏi những Banega, Mascherano, Cambiasso (Argentina), Lucas, Ramires (Brazil), Valencia (Ecuador), Guerin (Colombia)… chơi hào hoa, tinh tế bởi bản chất đá bóng của họ là “cần cù bù thông minh”. Phải chăng, bóng đá Nam Mỹ bây giờ cũng đã bị “châu Âu hóa” vốn đặt hiệu quả lên hàng đầu (trừ Barcelona là một ngoại lệ) khi hầu hết ngôi sao của họ đang đá ở lục địa già?

Sai một ly, đi một dặm

Không thể trách các cầu thủ Nam Mỹ khi họ quá quen với sự nhuần nhuyễn của “miếng bơ” châu Âu mà quên đi sự cảm hứng, đột phá của “hạt cacao” Nam Mỹ. Mang tư tưởng thực dụng ra sân, các đội bóng Nam Mỹ cùng hai vị khách mời Mexico, Costa Rica thi triển các miếng đánh khác nhau với mục tiêu đạt được kết quả tốt nhất.

Chặng đường phía trước còn dài, cơ hội sửa sai vẫn còn. Nhưng khi thế giới bóng đá đã thực dụng hơn thì cũng đừng mong Copa Emerica là một giải đấu mang thuần tính cống hiến.

Dĩ nhiên, với tố chất kỹ thuật bẩm sinh, Copa America vẫn có những nét riêng không thể lẫn, nhưng hóa ra họ tính già lại hoá non. Thời buổi này, chẳng có thứ bóng đá nào (vẫn loại trừ Barca ở một đẳng cấp khác) mà các đội lại đá với 3 tiền đạo.

Hơn nữa, muốn hiệu quả thì phải đá nhanh mà cầu thủ Nam Mỹ, khi tập hợp trong đội tuyển, vẫn cứ mắc bệnh thích đá lắt nhắt, ích kỷ, khoái rê bóng qua 3-4 cầu thủ đối phương hơn là chuyền bóng cho đồng đội ở chỗ trống - hình ảnh Pato (Brazil) bỏ lỡ 4 cơ hội ngon ăn chỉ trong hiệp 1 trận gặp Venezuela là điển hình.

Điểm cốt lõi cuối cùng khiến lượt trận đầu tiên nghèo nàn bàn thắng là tâm lý chủ quan của nhiều đội mạnh khi đá với đội dưới cơ. Ngoại trừ Chile kịp quật khởi thắng ngược Mexico vốn chỉ cử đến giải đội U22, những Brazil, Argentina, Uruguay, Colombia đều tỏ ra rất hời hợt và khinh địch nên đã không thể có được những kết quả như ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem