Vì sao dân đào ao nuôi tôm ở vườn nhà mình lại là trái phép?

Đình Thung-Kim Sơ Thứ tư, ngày 06/11/2019 06:36 AM (GMT+7)
Chuyện đào ao nuôi tôm trong vườn nhà ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) xảy ra đã lâu, ngành chức năng đã lên tiếng cảnh báo, nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Bình luận 0

Tiếng máy sục khí vang khắp làng

Điều bất thường ở các vùng nông thôn trên địa bàn xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) là hầu hết các khu vườn đều có ao nuôi tôm nằm chen với cây cối, hoa màu. Rõ ràng đây không phải là vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, thế nhưng khắp các làng mạc, thôn xóm, đi đến đâu cũng nghe tiếng máy sục khí rền vang.

img

Ao nuôi tôm nối nhau chiếm hết đất vườn của nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thành. Ảnh: Kim Sơ.

Hỏi ra thì biết, trước đây xã Mỹ Thành có quy hoạch vùng nuôi tôm khoảng 70ha ở vùng ven đầm hạ triều. Nhận thấy nghề nuôi tôm ăn nên làm ra, những người không có ao tôm trong vùng quy hoạch, bèn đào đất trong vườn nhà làm ao nuôi tôm cho “bằng bạn bằng bè”. Vậy là diện tích nuôi tôm tăng nóng từng năm, vượt xa diện tích đã quy hoạch, tập trung ở 3 thôn Hưng Lạc, Vĩnh Lợi và Hưng Tân.

Theo người dân xã Mỹ Thành, hoạt động nuôi tôm tự phát ở đây phát triển mạnh đã 10 năm nay. Chính quyền địa phương cũng đã có động thái ngăn chặn, nhưng thiếu kiên quyết. Người này làm được, người kia làm theo, cứ thế các vùng nông thôn ở xã Mỹ Thành mất dần những vườn cây xanh ngát, thay vào đó là những ao nuôi tôm với máy sục khí chạy cả ngày lẫn đêm tiếng vang inh ỏi khắp trời.

Theo ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, ao nuôi tôm không chỉ xuất hiện trong vườn nhà, mà còn trên những thửa đất trồng hoa màu. Tình trạng này bắt đầu manh nha từ năm 2011, thời điểm nghề nuôi tôm đang ăn nên làm ra, đến năm 2014 thì bùng phát mạnh.

“Nuôi tôm trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp không chỉ sai phạm mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường. Bởi, đa phần ao nuôi tôm ở đây không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, nên nước thải đều xả thẳng ra đầm Đề Gi hoặc ngoài môi trường”, ông Vinh thẳng thắn.

img

Ao nuôi tôm nằm sát cạnh nhà ở của người dân. Ảnh: Kim Sơ.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, toàn xã Mỹ Thành hiện có khoảng 40ha ao, hồ nuôi tôm tự phát. Chính quyền xã Mỹ Thành dù biết, nhưng để ngăn chặn, xử lý thì gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, các hộ vi phạm chủ yếu đào ao vào ban đêm, đến khi chính quyền địa phương phát hiện thì người dân đã làm xong ao, hồ.  

Ô nhiễm bủa vây

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những ao tôm tự phát đào trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp như hiện nay là hoàn toàn không phù hợp, vì nằm về phía cao triều, khó lấy nước mặn, cũng không có đường thoát cho nước thải.

Làm phép tính đơn giản, mỗi năm người nuôi tôm ở đây có 3 vụ nuôi. Cứ xong 1 vụ nuôi là phải làm vệ sinh ao hồ 1 lần. Trong khi người nuôi tôm tự phát không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầu hết đặt ống xả thẳng xuống đầm, xuống biển thậm chí xả ra quanh vườn nhà. Sự thể này đã khiến môi trường xung quanh ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Khi nguồn nước mặn được dùng để nuôi tôm đã bị ô nhiễm thì tôm chẳng thể nào sống nổi. Chính vì vậy, những năm gần đây người nuôi tôm tự phát ở xã Mỹ Thành thua nhiều hơn được. Có nhiều chủ nuôi thua liền 2 – 3 vụ/năm. Một khi trong vùng có 1 ao tôm dính bệnh, chết, thì lập tức tôm trong nhiều ao khác bị lây lan chết theo. Bởi lẽ rất đơn giản, tôm chết nằm dưới đáy ao, chủ hộ nuôi lặn xuống đặt ống xả tôm chết ra biển. Rồi nước từ biển được dẫn về ao để nuôi tôm lứa tôm khác. Với quy trình ấy mà người nuôi tôm ở Mỹ Thành không thất bại mới lạ.

img

Ống dẫn nước thải từ những ao nuôi tôm xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Kim Sơ.

Luật Thủy sản có hiệu lực ngày 1/1/2019 đã mở ra cho chính quyền xã Mỹ Thành hướng xử lý những trường hợp nuôi tôm tự phát trên địa bàn. Bởi theo quy định, những hộ nuôi tôm phải đăng ký và được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép thì mới được thả nuôi.

“Căn cứ vào quy định của Luật Thủy sản, hiện nay địa phương đang rà soát, yêu cầu bà con đăng ký theo quy định và chỉ cho đăng ký diện tích đã nuôi trong vùng được quy hoạch. Các trường hợp nuôi trái phép sẽ xem xét, xử lý trong thời gian tới”, ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, kiên quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem