"Nỗi sợ 40 ngày" là ám ảnh thường thấy ở những nông dân nuôi con gì ở Bạc Liêu?

Thứ sáu, ngày 12/08/2022 05:51 AM (GMT+7)
Lâu nay, người nuôi tôm vẫn quen sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý nước và chất kháng sinh để phòng, trị bệnh cho tôm trong giai đoạn trước 40 ngày tuổi, kể cả người nuôi ao lót bạt lẫn ao đất.
Bình luận 0

Nguyên nhân chính là do trong giai đoạn này, con tôm rất khó chăm sóc và thường hay bị thiệt hại mà như lời ông Huỳnh Văn Ninh, ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thì: “Gần như nó trở thành nỗi ám ảnh và sự sợ hãi của người nuôi tôm chúng tôi”.

Hôm chúng tôi đến thăm trại nuôi của ông Huỳnh Văn Ninh, ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, mới nhìn trại nuôi được thiết kế rất thông thoáng và bài bản, tôi không nghĩ ông Ninh lại phải nhiều phen lận đận vì tôm chết sớm. 

Tuy nhiên, khi được nghe ông kể những giai đoạn thăng trầm của nghề nuôi tôm mới thấy hết những khó khăn, lo lắng của người nuôi tôm trong mỗi vụ nuôi cũng như giá trị và ý nghĩa của giải pháp cạnh tranh sinh học mà các doanh nghiệp và nhà khoa học đã chuyển giao.

Theo ông Ninh, người nuôi tôm sợ nhất là 3 giai đoạn: 16 ngày, 32 ngày và 45 ngày, đặc biệt là giai đoạn 16 ngày. Trong các giai đoạn này, dù là nuôi ao lót bạt, tôm vẫn hay bị đường ruột và gan. 

Do đó, mỗi khi gặp trường hợp này, người nuôi thường chọn giải pháp sử dụng kháng sinh để phòng, trị. “Tôi đã từng gặp trường hợp này không ít lần, nhưng sau mỗi lần sử dụng kháng sinh, dù tôm hết bệnh thì cũng rất chậm lớn, buộc phải thu hoạch sớm vì nếu để nuôi tiếp sẽ lỗ nặng hơn” - ông Ninh chia sẻ.

"Nỗi sợ 40 ngày" là ám ảnh thường thấy ở những nông dân nuôi con gì ở Bạc Liêu? - Ảnh 2.

Tôm của ông Huỳnh Văn Ninh, ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã vượt qua giai đoạn 40 ngày tuổi một cách an toàn, hiệu quả nhờ áp dụng quy trình công nghệ sinh học của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh. Ảnh: TÍCH CHU

Theo chia sẻ của ông Ninh, nuôi tôm bây giờ khó khăn lắm, kể cả khi chuyển lên nuôi ao bạt thì thiệt hại cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Ninh kể: “Ở đây, tôi chứng kiến không ít người nuôi đã từng hồ hởi lên ao bạt, nhưng do không áp dụng đúng kỹ thuật, sử dụng không đúng thức ăn, chế phẩm sinh học, con giống chất lượng… nên cuối cùng cũng kéo bạt lên bỏ ao vì không còn vốn để nuôi. 

Chỉ riêng việc quản lý thức ăn thôi, nếu mình thực hiện không đúng sẽ gây nên tình trạng dư thừa, dẫn đến tốn kém và gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, làm phát sinh dịch bệnh, hay khí độc, tôm rất dễ thiệt hại".

Nỗi sợ hãi cũng như sự lo lắng của ông Ninh và nhiều hộ nuôi tôm khác giờ cũng vơi đi phần nào khi các doanh nghiệp và nhà khoa học đã nghiên cứu thành công các chủng vi sinh có lợi để khắc chế tình trạng tôm chết sớm như vừa nêu. 

Ông Ninh cho biết thêm: “Năm nay, tôi chia thành 2 khu nuôi, 1 khu nuôi theo quy trình và sử dụng sản phẩm sinh học của Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh, khu còn lại nuôi theo quy trình thông thường để đối chứng. Đến giờ này, tôm nuôi theo quy trình Trúc Anh được 48 ngày tuổi, tôm đã vô cỡ 120 - 130 con/kg, khu còn lại tôm đã 62 ngày tuổi nhưng kích cỡ cũng chỉ 120 - 125 con/kg. Từ giờ đến thu hoạch vẫn còn dài, nhưng tôi rất yên tâm vì tôm đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ninh cho biết, đây là lần đầu tiên áp dụng nuôi tôm hoàn toàn bằng sinh học nhưng kết quả đến thời điểm này cho thấy là hơn hẳn những quy trình trước đây mà ông đã thực hiện. 

Ông Ninh tâm sự: “Mục đích của tôi hay của người nuôi tôm khác là làm sao nuôi tôm ít rủi ro nhất, tỷ lệ thành công cao nhất và có lời nhiều nhất. Và mô hình chỉ sử dụng chế phẩm sinh học của Trúc Anh hay của các doanh nghiệp khác mà tôi biết, chỉ riêng việc không sử dụng hóa chất, kháng sinh hay chất tăng trọng trong quá trình nuôi 40 ngày đầu thôi đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí mà con tôm vẫn an toàn, tăng trọng tốt so với cách sử dụng hóa chất và kháng sinh trước đây".

Trong chuyến công tác về Bạc Liêu mới đây, có dịp gặp Tiến sĩ Lê Thế Xuân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh, khi nghe tôi kể về trường hợp trên, Tiến sĩ Xuân đồng tình và cho biết thêm: “Việc sử dụng nhiều hóa chất tác động xấu đến môi trường, như: xuất hiện nhiều rong đá và động vật thân mềm rất lạ lẫm mà ngay cả người dân địa phương cũng không biết nó là con gì. 

Còn khi lạm dụng kháng sinh sẽ làm tôm chậm lớn, tốn kém chi phí, vi khuẩn kháng kháng sinh và tôm không đạt tiêu chuẩn sạch theo yêu cầu thị trường. 

Chỉ có sử dụng biện pháp cạnh tranh sinh học bằng cách sử dụng các vi sinh vật có lợi để khống chế sự phát triển của vi sinh vật có hại mới mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí và ổn định hệ sinh thái môi trường ao nuôi. Đây cũng chính là giải pháp mà Trúc Anh đang thực hiện nhằm giúp người nuôi tôm vượt qua nỗi sợ hãi mang tên “40 ngày tuổi” như ông Ninh đã nói”.

Ngay từ năm 2013, Tiến sĩ Xuân đã tiến hành nghiên cứu, phân lập, chọn lọc dòng vi sinh có lợi để khắc phục tình trạng trên và giúp loại bỏ kháng sinh trong quá trình nuôi. 

Tiến sĩ Xuân chia sẻ: “Chỉ 1 năm sau, một số người nuôi tôm đã được hưởng lợi từ đề tài nghiên cứu này. Nếu tính trên cả nước hiện có khoảng 2.000 hộ nuôi tôm ứng dụng quy trình nuôi tôm sạch bằng sinh học hoàn chỉnh của Trúc Anh với tỷ lệ thành công trong giai đoạn 40 ngày tuổi là 97%, đến khi đạt điểm có lời là trên 80%, còn nếu tính chung số hộ nuôi sử dụng thường xuyên sản phẩm sinh học của Trúc Anh lên đến khoảng 10.000 hộ”. 

Được biết, hiện quy trình “Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ sinh học trong nuôi tôm sạch theo công nghệ Trúc Anh” đã được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm.

Tích Chu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem