Vì sao đề, đáp án thi quốc gia đủ căn cứ để... giữ bí mật?

Tùng Anh (t/h) Thứ tư, ngày 11/01/2017 13:00 PM (GMT+7)
Ngoài việc đảm bảo tính bảo mật để sử dụng cho các năm sau, theo Bộ GD ĐT, với cách làm đề, chấm thi có nhiều khác biệt so với các năm trước cũng là căn cứ để có thể giữ bí mật đề thi, đáp án thi?
Bình luận 0

Theo Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga, việc xây dựng đề thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều thay đổi so với quy trình xây dựng đề thi quốc gia những năm trước.

Theo đó, quy trình xây dựng đề thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ trải qua 9 bước từ tổ chức, biên soạn câu hỏi thô, thử nghiệm chuẩn hóa đến lựa chọn các câu hỏi thi đưa vào phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chính thức.

Trước đây, Bộ GD ĐT thường tổ chức để các thầy cô giáo tập trung làm đề tại một địa điểm có yêu cầu bảo mật khắt khe, biệt lập hoàn toàn với bên ngoài trong hơn 3 tuần để sử dụng ngay kỳ  thi trước mắt năm đó. Nhưng với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017, việc xây dựng đề thi sẽ được tổ chức theo nhiều đợt trong năm, ở nhiều khu vực trong cả nước.

Mỗi đợt biên soạn Bộ sẽ huy động hơn 100 giáo viên “cốt cán” ở 63 tỉnh, thành trên cả nước và giảng viên của 10 trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm tham gia làm. Với 10 đợt biên soạn câu hỏi thô đã thực hiện, số lượng giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng đề thi đã lên đến hàng nghìn người.

Các câu hỏi thô được biên soạn từ những đợt làm đề tập trung này sẽ được chuyển về Hà Nội thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình làm ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Những câu hỏi thi này sau đó sẽ được thử nghiệm 2 lần trên chính đối tượng thí sinh dự thi năm 2017 để xác định các thông số của câu hỏi thi.

Ông Ga cho biết, dự kiến tháng 2, Bộ sẽ chính thức thử nghiệm các câu hỏi trên đối tượng là học sinh đang học lớp 12. Việc chọn mẫu thử nghiệm sẽ mang tính đại diện cao, đảm bảo sự đa dạng về trình độ giữa học sinh các vùng miền khác nhau trên cả nước.

Về số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi, theo ông Ga, đối với các môn  đã có tiền đề thi trắc nghiệm nhiều năm nay như Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học và Sinh học… đã có một số lượng lớn câu hỏi được chuẩn hóa và hơn nữa mỗi môn thi đều đã xây dựng được lượng ngân hàng câu hỏi đủ lớn.

Riêng đối với môn Toán, từ năm 2007, Bộ đã tập hợp lực lượng các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm phối hợp với các chuyên gia đầu ngành và Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng đề thi.

Với quy trình làm đề thi như vậy cùng với việc các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng phần mềm máy tính sẽ đảm bảo độ chính xác cao nên Bộ GD ĐT cho rằng thí sinh và xã hội có thể yên tâm về đề thi và kết quả điểm đạt được trong kỳ thi.

Dự kiến vào cuối tháng 1.2017, Bộ GD ĐT sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn để thí sinh và nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem