Vì sao Honda và Toyota "tạm ngừng nhập khẩu ô tô về Việt Nam"?

Thứ sáu, ngày 19/01/2018 11:00 AM (GMT+7)
Đại diện Toyota và Honda tại Việt Nam xác nhận có việc tạm ngừng nhập khẩu ô tô về Việt Nam và cho biết nguyên nhân xuất phát từ điều kiện kinh doanh mới của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Bình luận 0

img

Theo đại diện Honda Việt Nam (HVN), đơn vị cũng như Tập đoàn mẹ không phải là không muốn nhập xe về Việt Nam phân phối, nhưng liên quan đến Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày ngày 17/10/201

Theo đó, Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô siết chặt hơn trước, trong đó đặt ra một số điều kiện mới buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại Chính phủ vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Cụ thể, mẫu Honda CR-V thế hệ thứ 5 mới ra mắt thị trường Việt Nam ngày 13/11/2017 được khách hàng đón nhận nhiệt tình và có tới hơn 2.000 đơn hàng, nhưng HVN vẫn chưa thể nhập khẩu xe này về với mức thuế nhập khẩu 0%.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, HVN mới chỉ dám nhập một số lượng hạn chế với 750 xe trước thời điểm tháng 1/2018 và lô xe này vẫn phải chịu mức thuế suất nhập khẩu dành cho xe nguyên chiếc là 30%. Sau lô hàng này, Honda Việt Nam cho biết, chưa có lô hàng nào lên kế hoạch về nước tiếp theo.

Cùng chung quan điểm của Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam cũng cho hay, với các xe nhập khẩu của hãng gồm Hilux, Yaris, Fortuner, trong đó đáng chú ý là mẫu Fortuner đang được khách hàng chờ đợi nhưng đã không về được như dự kiến ban đầu do vướng Nghị định 116.

Toyota Việt Nam đã ngừng nhập khẩu xe mới cách đây 2 tháng để tiếp tục chờ đợi thông tư hướng dẫn Nghị định 116 ban hành. Đến thời điểm hiện nay liên doanh này vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về thời gian đưa mẫu SUV 7 chỗ Fortuner về Việt Nam. 

Chính vì thế, hiện nay mẫu Fortuner đã vắng bóng ở các đại lý Toyota Việt Nam, nhiều mẫu xe cũ cũng được rao bán với giá đắt hơn cả xe mới trên thị trường cả trăm triệu đồng, nhưng nguồn cung cũng rất hiếm.

Thực tế cho thấy, mẫu Fortuner nhập khẩu nguyên chiếc từ khi ra mắt thị trường Việt Nam luôn dẫn đầu phân khúc xe thể thao đa dụng (SUV) toàn thị trường hàng tháng. Tuy nhiên, trong tháng 11 và 12 vừa qua, mẫu xe này vắng mặt trong top 10 mẫu xe ăn khách nhất thị trường Việt Nam mà nguyên nhân chính từ chính sách mới được ban hành.

Ngoài Toyota và Honda, những liên doanh khác tại Việt Nam như Ford, Mitsubishi hay Suzuki cũng cho biết, họ không thể nhập xe về bán vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Đây cũng là nguyên nhân khiến đầu tháng 12 vừa qua, Ford Việt Nam có công văn gửi các đại lý để thông báo tới khách hàng về việc cắt đơn đặt hàng trong hai tháng đầu năm 2018 đối với hai dòng xe Ranger và Explorer. Những hợp đồng chỉ được ký khi có xác nhận về nguồn cung từ Ford Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất của xe nhập khẩu hiện nay là việc phải chờ đợi kiểm định, chạy kiểm tra khí thải, có thể mất đến 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD cho mỗi xe.

Bên cạnh đó, Nghị định 116 còn đòi hỏi tất cả các mẫu xe phải có giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xuất khẩu cấp (VTA), nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào.

Ngày 17/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực luôn cùng ngày.

Đây được coi là những quy định siết chặt về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô; trong đó ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu về phải được kiểm tra đối với từng lô; phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp...

Ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm Công tác Ô tô và Xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chia sẻ, các quy định tại Nghị định 116 sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp ô tô.

Với yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, ông Toru Kinoshita cho rằng, Chính phủ của mỗi quốc gia chỉ tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước, các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này.

Các xe ô tô xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu. Do đó, sẽ luôn có sự khác biệt nhất định giữa thông số kỹ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho toàn xe vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải, hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, nhưng có thể không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.

Do đó, VAMA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm xem xét linh hoạt chấp thuận Giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại hoặc do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc do Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra và cấp. Đồng thời kiến nghị bổ sung quy định này vào nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 116 của Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến.

Liên quan đến tài liệu về “kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài trước ngày 1/1/2018”, VAMA kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có thêm lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại nước ngoài.

Với yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, Trưởng Nhóm Công tác Ô tô và Xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, kiêm Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita khẳng định, các doanh nghiệp ô tô không thể tuân thủ được quy định này do gánh nặng của việc cùng một kiểu loại xe nhập khẩu nhưng vẫn bị thử nghiệm lại nhiều lần về khí thải và an toàn.

Theo ông Toru Kinoshita, quy định này không chỉ không có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà còn kéo dài thời gian thêm 2 tháng thử nghiệm và làm tăng chi phí lên tới 10.000 USD cho việc thử nghiệm này theo từng lô xe.

Do đó, VAMA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam khi tiến hành dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên. Đồng thời chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành, mà không cần thử nghiệm lại...

Văn Xuyên (Bnew)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem