Vì sao sản phẩm OCOP Việt Nam đi 12 nước nhưng không thể "ở lại" được siêu thị trong nước?

An Linh Thứ ba, ngày 05/12/2023 18:42 PM (GMT+7)
Theo ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sản phẩm OCOP tạo được hàng nghìn sản phẩm đặc sản, từng bước chinh phục các thị trường thế giới, song chính sản phẩm này khó vào và không thể ở lại được các siêu thị trong nước.
Bình luận 0

Tại Hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP" vừa được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 5/12, những giải pháp phát triển, nâng tầm cho thương hiệu sản phẩm OCOP được các chuyên gia thương mại, nhà phát triển thị trường bàn đến.

Không nên tự giới hạn OCOP chỉ là đặc sản của xã, địa phương

Ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng quản lý chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Bộ NN&PTNT, cho biết, hiện trạng các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, nông sản đặc sắc của mỗi địa phương dù chất lượng tốt, quy trình chế biến tuân thủ sạch - xanh và bền vững song việc phổ biến thương hiệu vẫn chưa tốt.

Ông Nhân dẫn ví dụ vì sao bánh giầy giò của Việt Nam, là thứ quà quê dân dã, chế biến truyền thống, tỉ mỉ nhưng vẫn không đặc sắc và có thương hiệu nổi tiếng như bánh gạo Mochi của Nhật Bản.

Buồn vì đặc sản OCOP Việt Nam đi 12 nước nhưng không thể vào được siêu thị trong nước! - Ảnh 1.

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: BCT).

"Đem hai sản phẩm này so với nhau có thể khiên cưỡng song nếu nhìn vào bản chất, chúng đều được tạo ra từ bột hạt gạo, qua các công đoạn chế biến tinh vi, tỉ mỉ của người thợ. Sở dĩ bánh Mochi của Nhật Bản ngon, thương hiệu đi xa, thậm chí trở thành thương hiệu quốc gia của Nhật do quy trình chế biến cực kỳ công phu, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, thậm chí người làm phải mất 30 phút chuẩn bị kỹ càng nguyên liệu, vệ sinh bản thân mới có thể tạo ra những chiếc bánh nổi tiếng", ông Nhân nêu.

Ông này cho rằng, Việt Nam không thiếu những sản phẩm tinh tuý của mỗi địa phương, mỗi vùng đất và cũng không thiếu cách thức rất kỳ công để tạo ra những sản phẩm nhưng cách biến các sản phẩm này trở thành thương hiệu lớn, vươn ra, vượt qua tầm quốc gia lãnh thổ còn khiêm tốn.

Ông Nhân cho rằng, Việt Nam đã có những sản phẩm OCOP tạo nên những thương hiệu có tiếng khắp trong nam ngoài bắc và dần hình thành những sản phẩn sạch, đặc sản quê hương. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà tự hào bởi những sản phẩm mới chỉ vượt qua luỹ tre làng, chưa vươn được ra biển lớn, chưa trở thành "quốc hồn, quốc tuý" của đất nước.

Ông Nhân dẫn ví dụ, cũng là sản phẩm chè đặc sản nhưng sản phẩm của Nhật với cách thức thu hái và tỉ mỉ nên có giá trị cao hơn nhiều so với chè của Việt Nam. Vấn đề mấu chốt phải tìm ra cách thức để nâng giá trị, tránh cách làm cũ.

Buồn vì đặc sản OCOP Việt Nam đi 12 nước nhưng không thể vào được siêu thị trong nước! - Ảnh 2.

Ông Đặng Quý Nhân, đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Bộ NN&PTNT - Ảnh: BCT

"Cũng là thu hoạch búp chè trong tháng 7, nhưng người Nhật không thu 10 ngày/ lần như Việt Nam mà để 2 tháng mới thu hoạch. Bên cạnh đó, họ che tối cho cây chè để hàm lượng talin giảm xuống và đây là bí quyết trà đặc sản của họ uống không chát, đắng như chè của Việt Nam mà vẫn giữ được hàm lượng talin phù hợp với cơ thể", ông Nhân nêu.

Về thương mại, ông Nhân cho rằng, đường đi cho sản phẩm OCOP tại thị trường Việt Nam và quốc tế còn khó khăn, nhọc nhằn. Muốn xây dựng thương hiệu lâu bền, chất lượng không chưa đủ mà còn phải thương mại hoá sản phẩm một cách hiệu quả, bền vững.

"Nói thật khi làm xúc tiến thương mại, tôi nhìn sản phẩm OCOP trên kênh thương mại hiện đại rất tủi thân. Cả đại siêu thị Big C lớn như vậy, chỉ có 3 dãy đề sản phẩm OCOP, đếm không quá 10 sản phẩm, rất nghèo nàn", ông Nhân nêu.

"Tủi thân" vì OCOP gặp khó ở siêu thị

Theo ông Nhân cái khó nhất hiện nay đối với sản phẩm OCOP là các đại siêu thị quy định 35-40 ngày mới thanh toán cho chủ thể sản phẩm OCOP. Như vậy hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, yếu năng lực tài chính lấy đâu ra nguồn lực để quay vòng vốn?

Buồn vì đặc sản OCOP Việt Nam đi 12 nước nhưng không thể vào được siêu thị trong nước! - Ảnh 3.

Các sản phẩm OCOP sau thời gian phát triển, đang gặp thách thức lớn để mở rộng ra thị trường cả nước và vươn ra thế giới (Ảnh: BCT).

Ông Nhân cho rằng, khó có thể để cơ quan Nhà nước, hiệp hội can thiệp vào quy trình thương mại của siêu thị với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhưng cần làm cách nào đó để sản phẩm OCOP tồn tại được ở kênh bán hàng siêu thị, để bán buôn (B2B), bán lẻ (B2C) quy mô lớn mới hiệu quả. Bởi người tiêu dùng Hà Nội, hay tại thành phố lớn rất sẵn sàng mua đặc sản của các địa phương mà không biết mua ở đâu.

Ông Nhân nêu thực tế: "Sản phẩm OCOP của Việt Nam đã xuất đi 12 thị trường nước ngoài, nhưng khó vào và không thể "ở lại" được siêu thị trong nước".

Đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Bộ NN&PTNT cho rằng, sau thời gian phát triển, mở rộng chủ trương mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm OCOP đang gặp nhiều thách thức cực đại để mở rộng, nâng cao chất lượng giá trị và vươn tầm thế giới.

Ông Nhân cho rằng, kênh bán hàng ở siêu thị vẫn là kênh bán hàng hiện đại, quan trọng, nó đòi hỏi từ nhiều phía, từ quảng bá sản phẩm OCOP, chất lượng, mẫu mã bao bì… Cái này không phải doanh nghiệp tự làm được mà các địa phương, bộ ngành phải chung tay. Thứ hai là bản thân doanh nghiệp bán hàng cần phải có những phương thức thanh toán hiện đại, thanh toán chậm là không thể chấp nhận, do đó cần có chính sách riêng đối với sản phẩm OCOP để đi sâu, đi xa thời gian tới.

Ông Nhân kể lại, khi xúc tiến cho doanh nghiệp nước ngoài ký hợp đồng mua 100 triệu đồng sản phẩm chè Shan tuyết của bà con ở Phìn Hồ (Hà Giang), sau khi chào bán, ngỡ ngàng bán hết ngay trong ngày, doanh nghiệp quay lại không mua được nữa vì cả mùa chỉ có chừng ấy chè mà thôi.

"OCOP là đặc sản địa phương, đã là đặc sản thì sẽ không có số lượng nhiều, phải là sản phẩm giới hạn, tinh tuý nhất. Chính vì thế, chúng ta cần đối xử với sản phẩm ấy khác, không thể để các đặc sản, tinh tuý ấy bán ra thị trường bằng "buộc dây lạt", gói "lá chuối" được", ông Nhân nêu.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem