Tự nhận rằng không ai yêu văn chương điên cuồng như mình đến mức đem văn chương vào Nhà hát Lớn để tôn vinh, nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ làm điều chưa ai từng làm đó vào tối 1.12 tới đây bằng một đêm nghệ thuật mang tên “Bay cùng ViLi”. Chị đã dành thời gian chia sẻ với Dân Việt trước đêm diễn này.
Đem văn chương vào Nhà hát Lớn để tôn vinh là do Vi Thùy Linh quá yêu hay bởi thấy văn chương chưa được đề cao đúng mức nên chị muốn tìm cách để... nâng tầm?
- Tôi yêu văn chương và tôi yêu niềm đam mê của mình. Đời người chỉ có một lần tuổi trẻ, lúc đang tự do và ít nhất là còn có điều kiện về thời gian, tâm trí thì tại sao không dám thực hiện ước mơ của mình? Thực ra tôi không nâng tầm văn chương mà đây là tầm mà văn chương cần phải có. Nhiều người làm văn chương đã tự “rẻ hóa” mình, dễ dãi trong việc không dám ước mơ, không dám ra những tác phẩm tương xứng để “cả gan”, tự tin vào Nhà hát Lớn mà ra mắt.
|
Vi Thùy Linh đầy tâm huyết và say mê khi nói về “Bay cùng ViLi”. Ảnh: Lãng Ma |
Tôi nghĩ rằng tôi phải làm thôi, vì chờ đến ai nữa? Tôi có khả năng, tôi có khát vọng, tôi được ủng hộ khi thể hiện ước mơ của mình. Văn chương là gốc và nó cần phải được sang trọng. Tôi muốn làm những điều độc đáo.
Chị nói muốn tôn vinh văn chương, nhưng hẳn là thực hiện một đêm nghệ thuật thế này cũng là cách để tôn vinh mình?
- Tôi tôn vinh bản thân mình một cách văn hóa, đó chính là tôn vinh những mối quan hệ mà tôi có chứ không phải tôn vinh tôi bằng cách trực tiếp để người ta ca ngợi tôi. Thậm chí trong chương trình này, tôi xuất hiện rất ít. Tôi để mọi người được hưởng thụ món quà của tài năng, của sức lực mà các nghệ sĩ muốn thể hiện trước công chúng. Qua lời mời của tôi, mọi người đã đến trình diễn và món quà đó dành tặng cho khán giả.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã khảo sát và khẳng định rằng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trong 101 năm qua chưa từng có nhà văn, nhà thơ nào ra mắt sách và trình diễn văn chương. Ông đánh giá “Bay cùng ViLi” không phải một đêm diễn mà là một sự kiện văn hóa.
Tôi cho rằng một đêm biểu diễn tuyệt đẹp với những tài năng, với những điều phi thường thì bản thân điều đó đã chứa đựng sức hấp dẫn. Đây là một đêm tôi “chiều” và đáp lại những người thực sự quan tâm đến tôi và tác phẩm của tôi. Tôi “ngầm” tôn vinh mình ở chỗ “Vi Thùy Linh là ai mà đã mời được những người ấy?”.
Là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, chủ nhân của tập thơ dát vàng bốn số 9 đẹp và đắt nhất Việt Nam, giờ lại là người đầu tiên tổ chức ra mắt sách và trình diễn văn chương ở Nhà hát Lớn, chị nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng Vi Thùy Linh thích chạy theo kỷ lục?
- Tôi chưa bao giờ chạy theo những kỷ lục mà chỉ là tôi sống tận cùng với khát vọng của mình. Và khi người ta tận cùng và dũng cảm thì thường bứt lên đầu và bứt lên sớm. Vô hình trung, tôi nhận ra rằng mình đã ghi dấu được những điều đó chứ không phải tôi làm với mục đích, động cơ để ghi dấu. Ví dụ, khi tôi khát vọng đưa văn chương vào Nhà hát Lớn thì khi đã tiến hành, gần đến ngày thì tôi được sự xác nhận của nhà sử học Dương Trung Quốc rằng tôi là người đầu tiên làm điều này.
Một mặt nào đó, một người mà dám chạy theo những kỷ lục thì người đó có một sức mạnh đáng kể đấy chứ. Mà không phải chạy theo mà làm được nữa thì đó là một dấu ấn rồi. Nhưng không bao giờ tôi coi đó là mục đích của sự cống hiến. Và đừng nên võ đoán để đánh giá thấp những nghệ sĩ khác. Họ đều là những tên tuổi lớn cả và không đi phục vụ sự "chạy theo" của tôi. Những nghệ sĩ như Phạm Việt Thanh, Lê Thiết Cương… họ không chạy theo mục đích của tôi mà cùng tôi thực hiện một đêm ước mơ, đêm đẹp, một đại yến nghệ thuật để lại kỷ niệm đẹp cho tất cả mọi người.
Được biết, tổng kinh phí của dự án lên đến 400 - 500 triệu đồng?
- Đó là số tiền thực chi. Còn số tiền của đêm diễn này vốn dĩ phải là hàng tỷ nếu như các nghệ sĩ tham gia trình diễn có tính cát-sê.
Thử hỏi nếu không làm đêm “Bay cùng ViLi” thì số tiền đó chị sẽ dùng để làm gì?
Không chỉ là dịp để ra mắt cùng lúc 2 cuốn sách của Vi Thùy Linh là “ViLi & Paris” (thơ) và “ViLi tùy bút” (văn xuôi), đêm nghệ thuật “Bay cùng ViLi” còn có sự tham gia trình diễn của nhiều nghệ sĩ “hàng hiệu” như: ca sĩ Thanh Lam, Tấn Minh; nhạc sĩ Ngọc Đại, Đỗ Bảo; nghệ sĩ kịch Hoàng Cúc, Minh Hòa, Phạm Cường; cello Ngô Hoàng Quân; saxophone Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc; nghệ sĩ múa Nguyệt Thu…
- Nếu không làm đêm nghệ thuật này thì tôi cũng sẽ không đi xin tài trợ để làm đêm đó mà chỉ làm sách thôi. Nếu vậy thì tôi cũng đã không mệt như vậy, mất cả năm để đi xin tài trợ, cóp nhặt dần từ 10-15 triệu đồng, cứ “nhặt dần, nhặt dần”. Nói về chi phí thì tiền in sách tốn nhiều nhất. Còn phần biểu diễn thì các nghệ sĩ đã giúp tôi rồi.
Có thể nói, tôi là nhà tài trợ lớn nhất của tôi. Đó là việc tôi đã xây dựng được cho mình những mối quan hệ quý báu. Vì yêu mến tôi mà các nghệ sĩ trình diễn không lấy tiền, chứ tôi lấy đâu ra kinh phí để trả cát-sê.
Giả sử không xoay xở được tài trợ, có khi nào chị “chịu chơi” đến mức bán xe, bán nhà, tự bỏ tiền túi ra để làm chương trình này?
- Tôi không làm chương trình với mục đích huyếnh hoáng đóng dấu thương hiệu hay ghi dấu lịch sử. Tôi tin rằng mình có thể “liệu cơm gắp mắm” và khi người này từ chối thì sẽ có người kia nhìn ra được giá trị của tôi, giá trị của các nghệ sĩ tham gia đêm diễn này. Tôi sẽ không từ bỏ.
Nếu chưa đủ kinh phí thì có thể tôi sẽ không làm vào tháng 12 tới mà tháng 4 sang năm tôi sẽ làm chương trình này - vào đúng đợt sinh nhật của tôi. Đã đặt ra ước mơ thì tôi phải thực hiện. Và khi nào chưa xong thì… chưa kết hôn.
Điều chị kỳ vọng nhất và lo lắng nhất từ “Bay cùng ViLi” là gì?
- Lo lắng nhất với tôi là vấn đề sức khỏe vì hiện nay tôi đang phải gồng bằng sức khỏe ngoài mình - tức là sức khỏe không có mà chỉ được kích bằng động lực tinh thần. Còn điều mà tôi mong muốn là những người tham dự sau đêm đó về sẽ mất ngủ vì họ bị dư chấn bởi sự cảm động. Họ sẽ thấy rằng cần phải làm nghề say đắm hơn và họ dám có những ước mơ vượt ngưỡng.
Và chắc chắn là tôi muốn tăng số người yêu mến mình hơn và những người nghệ sĩ tham gia cùng tôi cũng được ấm áp và họ thấy yêu nghề hơn. Tôi muốn chúng tôi sẽ làm một làn sóng gây chấn động. Sự hợp lực này là rất kỳ công, để đi đến một điều - đó là cống hiến.
Xin cảm ơn chị!
Khánh Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.