Vi Thùy Linh với khát vọng mang thơ đi "chinh phạt"

Thứ năm, ngày 03/11/2011 14:44 PM (GMT+7)
Dân Việt - Từ Pháp, nhà thơ Vi Thùy Linh dành cho Dân Việt một cuộc phỏng vấn qua điện thoại và hào hứng chia sẻ về tour trình diễn thơ đỉnh cao sau 15 năm cầm bút mà chị đang được dốc sức thực hiện.
Bình luận 0

Thông thường chỉ thấy các ca sĩ đi diễn show hay họa sĩ mang tranh đi triển lãm ở nước ngoài, nhưng đưa thơ đi trình diễn cả một tour ở trời Âu như Vi Thùy Linh thì thật hiếm hoi. Chẳng lẽ trình diễn thơ cho độc giả trong nước đối với chị còn chưa đủ?

- Tôi luôn xác định và trân trọng độc giả trong nước. Đất nước của tôi có 90 triệu người đang sử dụng tiếng Việt. Và trong giấc mơ hoang đường tôi cũng không thể khẳng định tiếng Việt sẽ trở thành một ngôn ngữ phổ dụng trên thế giới như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Nhưng khi ra nước ngoài, nhận thấy một điều là ở thế hệ thứ hai còn nói tiếng Việt chứ thế hệ thứ ba là nói ngọng nghịu và không đọc được nữa. Nên tôi mong muốn không chỉ là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà còn phải “truyền phổ vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt”.

img
Vi Thùy Linh tại rừng Boulogne ở Paris (Pháp) chiều 1.11. Ảnh: Phan Dương Hiệu

Tôi không nghĩ có thể làm điều đó một mình nhưng tôi đang góp phần nỗ lực làm điều đó. Tôi muốn vẻ đẹp của tiếng Việt được cất lên và được truyền cảm. Điều này rất có lợi cho việc tăng thêm sức sống cho thi ca Việt Nam và cũng thêm một lần khẳng định giá trị độc bản Vi Thùy Linh.

Tôi tham vọng với cả những người Pháp nữa, vì những bài thơ của tôi đều có văn bản tiếng Pháp để họ được hưởng thụ. Và như tại những cuộc trình diễn quốc tế mà tôi đã dự, những người nước ngoài không phải nghe thơ để hiểu nội dung vì nội dung có văn bản dịch rồi, mà khán giả nghe âm thanh mẹ đẻ, ngôn ngữ gốc của nhà thơ đó.

“Tình tự Hà Nội” - đêm thơ riêng mở màn cho tour diễn lần này của chị vừa qua đã để lại dấu ấn như thế nào?

- Đêm thơ “Tình tự Hà Nội” của Vi Thùy Linh tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ở Paris tối 29.10 là một minh chứng cho việc có rất nhiều người trước đây không chú ý đến văn chương Việt Nam thì sau đêm diễn này đã quan tâm nhiều hơn đến văn chương, văn hóa Việt. Ở đây, họ sử dụng tiếng Pháp và sống trong một nền văn hóa lớn nên nhiều khi họ chỉ có thể nhớ quê nhà bằng ký ức thôi. Tôi muốn đem hơi thở đương đại cho họ.

Tối 5.11 tại Toulouse (Pháp), nhà thơ Vi Thùy Linh cùng KTS - nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ trình diễn trong đêm thơ nhạc “LiTi thi ca” với chủ đề “Giấc mơ & Tình yêu” do Maison Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Toulouse (AEVTL) tổ chức.

Tiếp đến, Vi Thùy Linh sẽ tới Liege và Bruxelles (Bỉ) để trình diễn ngày 12-13.11. Tối 19.11, Vi Thùy Linh có đêm thơ “Tình tự Lyon” tại Lyon (Pháp) và từ ngày 22-28.11, chị sẽ tới Cộng hòa Séc biểu diễn và giao lưu với khán giả yêu thơ tại đây.

Và sự cộng hưởng cùng đám đông lớn cũng làm tôi phấn khích. Tôi thích chinh phạt những đám đông lớn và những nơi khó. Đây cũng là một cách để tôi test công chúng của mình xem tên tuổi Vi Thùy Linh trong quá trình lao động nghệ thuật của mình đã ra được nước ngoài đến mức nào? Khi tôi viết bằng tiếng Việt, sức sống của nó trong lòng những người đọc và sử dụng tiếng Việt ra sao?

Ở đêm thơ mở màn - “phát súng đầu tiên” này, tôi có lo ngại nếu thất bại sẽ bị “hiệu ứng domino”, nhưng tôi đã cật lực để có thành công tốt đẹp và nhận được sự đồng thuận rất cao ngay cả từ những người chưa biết tôi và chưa công nhận tôi thì sau đêm thơ vừa rồi họ đều thấy có thiện cảm. Đặc biệt, phải nói rằng tôi rất tự hào khi đêm thơ có sự tham dự của nhiều trí thức, nghệ sĩ tên tuổi. Thơ vốn kén người đọc. Sự hiện diện của họ khiến tôi biết được thơ Vi Thùy Linh có sức hút, vẫn còn sức hút.

Hiệu ứng quan trọng nhất tại “Tình tự Hà Nội” là mọi người đã yêu Hà Nội và nhớ đến Hà Nội hơn. Khi lắng nghe bài thơ về Hà Nội của tôi, lắng nghe danh ca Lệ Quyên hát về Hà Nội thì nhiều người đã khóc.

Tôi cũng đã khóc khi nói về ký ức Hà Nội ngày thơ bé và về ông nội của tôi. Ông nội tôi lúc sống luôn mơ ước được đến Paris mà chưa đến được. Hôm ấy tôi đã được chia sẻ trong một cảm giác tâm linh rằng xin phép khán giả được nhớ tới ông nội của mình và đọc bài thơ “Chu du cùng ông nội”. Tôi nghĩ rằng ông nội tôi đã bay theo tôi và đến được Paris trong lời khấn nguyện của tôi và trong một không gian cảm động như vậy.

Cảm giác của chị khi trình diễn ở nước ngoài khác thế nào so với rất nhiều lần trình diễn cho khán giả trong nước?

- Trình diễn ở Việt Nam có sự tự tin hơn, trước hết vì đây là một địa bàn quen, công chúng quen, bối cảnh quen. Mình thuộc về nó, thông thạo nó và làm chủ được nó. Và khi đứng trên sân khấu, tôi biết rằng bên dưới kia là lực lượng ủng hộ tôi rất đông gồm những người thân, bạn bè, chiến hữu - những người chúng tôi đã liên tài trong nghệ thuật.

img
Vi Thùy Linh trong đêm thơ "Tình tự Hà Nội" tối 29.10 tại Paris, Pháp. Ảnh: Trần Quang Hải

Ở đây không có lực lượng ấy, chỉ có những người từng nghe thấy tôi và một số ít fan thôi. Song lại có một kích thích khác là tôi được thỏa mãn khát vọng chinh phạt. Tôi muốn nói là chinh phạt chứ không phải chinh phục. Chinh phạt cao hơn vì chinh phạt khó hơn.

Chinh phục là mình chỉ đem đến những cái gì để vừa lòng khán giả, để lấy được thiện cảm trong sự ngọt ngào, tròn trịa. Chinh phạt là “áp đặt lối chơi”, đưa cá tính, đưa nghệ thuật của mình ra không phải để chiều theo đặt hàng mà họ phải thưởng thức những “món” mình đưa ra. Thực tế, khán giả tối 29.10 đã “tâm phục khẩu phục”.

Tất cả các đêm thơ đều là kịch bản của tôi, tôi chủ động chọn bài, cách thức đêm diễn và yêu cầu Ban tổ chức chuẩn bị theo. Tôi muốn đưa ra một Vi Thùy Linh đa dạng mà vẫn thống nhất, đó là một Vi Thùy Linh mạnh mẽ và đằm thắm, có trí tuệ và một tâm hồn phong phú.

Thực hiện được tour diễn này là một niềm tự hào và cũng là áp lực đối với tôi. Vì có lẽ những thành phố này tôi có thể trở lại mà không lặp lại những cuộc trình diễn. Ví dụ như với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp thì mỗi tác giả chỉ được đến trình diễn một lần, không có cơ hội để sửa sai nên làm là phải thành công. Áp lực vô cùng lớn!

Ngoài tình yêu dành cho nghệ thuật thì có động lực nào giúp chị vượt qua được những áp lực như vậy?

- Có một điều tôi muốn tôn vinh - đó là “ngọn lửa âm thầm” dõi theo tôi xuyên châu lục. Tuy cách xa, nhưng người yêu của tôi trước mỗi lần tôi trình diễn đều nhắn tin, gọi điện khích lệ và truyền năng lượng cho tôi. Thậm chí anh còn “ra lệnh” cho tôi phải thành công. Và có lẽ chính năng lượng tình yêu đã giúp tôi làm được điều đó.

Sau đêm diễn đầu tiên ở Paris, tôi đã tường thuật qua điện thoại cho anh nghe những nét chính của đêm diễn và tôi đã nghe thấy tiếng anh khóc. Anh nói rằng anh rất cảm động và nước mắt đã chảy tràn vì anh vô cùng yêu nước và yêu tiếng Việt. Anh là người có một văn hóa ngôn ngữ rất cao và là người tôi rất kính trọng về nghề nghiệp nên khi anh khen ngợi tôi giỏi thì tôi thấy quý hơn rất nhiều độc giả thông thường khen tôi.

Tôi nghĩ rằng tình yêu lớn của tôi là tình yêu dành cho nghệ thuật và trong tình yêu lớn ấy có tình yêu của riêng tôi. Khi chúng tôi yêu nhau vì nghề của nhau, vì nể nhau thì tình yêu ấy thật quý giá.

Không chỉ luôn được sự cổ vũ của người yêu mà có vẻ như Vi Thùy Linh cũng khá thuận lợi khi đến đâu, làm gì cũng có được những sự ủng hộ, hỗ trợ, như trong chuyến đi này. Theo chị đó là nhờ yếu tố nào?

- Yếu tố uy tín và thương hiệu. Tôi đã lao động nghệ thuật liên tục và cuồng say 15 năm và trong thời quan đó, thơ tôi đã được dịch và in nhiều ở Pháp cũng như ở các nước khác. Với tần suất xuất hiện nhiều, Vi Thùy Linh đến với nghề rất đường hoàng và không mờ nhạt.

Công chúng cần sự mới lạ và không lặp lại. Những người mời tôi thực hiện tour trình diễn này họ không có ý định tổ chức đêm thơ truyền thống theo lối sáo mòn mà họ cần một tiếng nói mãnh liệt khác, một cách biểu tỏ khác.

Thế tại sao đang được ủng hộ và nhiều sức hút như vậy mà Vi Thùy Linh lại quyết định tạm từ giã thơ sau chuyến đi này?

- Còn sức hút mà ngừng thì người ta mới “thèm” chứ đâu chờ đến lúc không còn sức hút… (cười) Khi vẫn còn sức hút mà tạm ngừng để chuyển sang cái khác thì sức hút của thơ Vi Thùy Linh sẽ tràn văn xuôi, xứng đáng để công chúng chờ đợi và từ tín nhiệm thơ, họ sẽ đọc văn xuôi của tôi vào năm 2012. 15 năm làm thơ, tập trung cho thơ, sản phẩm là 6 tập thơ được xuất bản. “Villa thơ” đã xong, giờ tôi thấy đã tạm đủ để chuyển sang xây “villa văn xuôi”.

Cảm ơn nhà thơ Vi Thùy Linh và chúc chị tiếp tục ghi những dấu ấn tốt đẹp trong hành trình chinh phạt sắp tới!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem