Việt Nam có thể trở thành cường quốc nông nghiệp

Chủ nhật, ngày 02/01/2011 07:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Công nghiệp hóa không chỉ liên quan tới công nghiệp mà trước hết là hiện đại hóa, trong đó có công nghiệp hóa nông nghiệp", nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan nhấn mạnh.
Bình luận 0
img
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan

Lạm phát làm xấu bức tranh kinh tế

Năm 2010 đã qua, theo ông đâu là điểm đáng chú ý nhất của nền kinh tế?

- Năm 2010, mặc dầu kinh thế thế giới phục hồi chậm, còn ẩn chứa nhiều điều bất ổn, trong nước chịu nhiều thiên tai, song kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng tới 6,78%, riêng giá trị sản lượng nông nghiệp cũng tăng cao hơn năm ngoái và gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục, lên tới 6,8 triệu tấn. Theo tôi đó là điểm sáng. Tuy nhiên lạm phát cao, lên tới 11,75% gây nhiều khó khăn cho đời sống của nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp đã "làm hỏng" bức tranh toàn cảnh.

Nguyên nhân của tình hình đó có nhiều, song nguồn gốc sâu xa là những bất ổn vĩ mô kéo dài: Đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp, nhất là đầu tư công; bội chi ngân sách liên tục và khá cao; nhập siêu lớn; đồng tiền mất giá... Và đây cũng là nguyên nhân làm cho các nhà đầu tư nước ngoài có phần e ngại trong khi năm nay dòng vốn bên ngoài khá dồi dào, một số nước thậm chí còn phải có biện pháp ngăn chặn để đồng tiền của mình khỏi mất giá...

Tóm lại, điểm đáng chú ý nhất cả về ngắn hạn lẫn dài hạn là những biểu hiện bất ổn vĩ mô. Không chỉnh sửa điểm yếu này thì dù có tăng trưởng cao cũng không bù lại được những thiệt hại do chúng gây ra.

img
Xuất khẩu gạo tại Cảng Trà Nóc (Cần Thơ).

Năm qua, thâm hụt thương mại tới 12 tỷ USD, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được gọi là báo động... Đó phải chăng là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế?

- Nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhập siêu là cơ cấu kinh tế không hợp lý. Cho tới nay ta vẫn dựa vào khai thác tài nguyên và gia công là chính, công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ hầu như không có, muốn mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu lại phải gia tăng nhập khẩu mọi thứ, từ máy móc thiết bị đến nguyên nhiên vật liệu, thậm chí cả điện.

Các doanh nghiệp của ta nói chung còn yếu nên đương nhiên tìm mua loại hàng rẻ - điều Trung Quốc có thừa. Trong đấu thầu, các doanh nghiệp Trung Quốc lại chào giá rất hời nên trúng thầu nhiều công trình lớn, qua đó đưa máy móc thiết bị và cả lao động của họ vào càng tạo thêm tình hình VN nhập siêu của họ. Do vậy điều cốt lõi là có cơ chế chính sách thỏa đáng (chứ không chỉ kêu gọi) để đổi mới cơ bản cơ cấu sản xuất, gia tăng mạnh mẽ công nghiệp chế tạo và phụ trợ.

Hai điểm cần chú ý

Năm 2011 được dự báo với việc tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu, liệu sẽ lại có sóng gió ngay từ đầu năm với nền kinh tế?

- Trước mắt, Tết Nguyên đán sắp tới, tiền thưởng được phân phát, mua sắm nhiều nên chắc khó kìm giá. Những biện pháp ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát chắc phải có thời gian. Giá cả thế giới đang có chiều hướng tăng, nhãn tiền là giá dầu thô. Năm nay ta lại tăng lương vào tháng 5, chắc sẽ phải điều chỉnh giá điện, than... Những nhân tố ấy sẽ đẩy giá lên nên hơn bao giờ hết phải ổn định cho được vĩ mô, có chính sách tiền tệ và tài khóa chuẩn xác mới hy vọng ổn định được. Trong bối cảnh ấy có hai điều nên chú ý: Theo dõi rất sát, dự báo cho trúng chiều hướng kinh tế thế giới và kiên quyết giữ cho được ổn định vĩ mô cho dù có thể phải chấp nhận một mức tăng trưởng hợp lý.

img Ở đầu vào, chúng ta đã là "cường quốc" về một số nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản. Ở "đầu ra", thiên hạ có thể nhịn dùng nhưng không thể nhịn ăn. Như vậy, ở đầu vào lẫn đầu ra nước ta có thể trở thành một "cường quốc nông nghiệp. img

Ông Vũ Khoan

Năm 2010 được đánh giá là một năm thành công của nông nghiệp, nhưng dường như cả sản xuất và xuất khẩu của chúng ta đã quá chú trọng đến số lượng mà quên đi yếu tố chất lượng? Ngay trong lĩnh vực thế mạnh này cũng xảy ra tình trạng thâm hụt thương mại?

- Nay ta đã là "cường quốc" về một số nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều và thủy sản... Như vậy là ta có tiềm năng dồi dào về nông nghiệp. Thiên hạ có thể nhịn dùng nhưng không thể nhịn ăn, hơn nữa do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự biến đổi khí hậu nên đã xuất hiện các cuộc khủng hoảng lương thực cục bộ. Như vậy cả ở đầu vào lẫn đầu ra, nước ta có thể trở thành một "cường quốc nông nghiệp".

Vấn đề còn lại là chất lượng hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là từ khâu khoa học-công nghệ, sinh học, công nghệ sạch, sau thu hoạch (bảo quản, chế biến, lưu thông- phân phối, tiếp thị, quảng bá thương hiệu, xuất khẩu...). Những chuyện như vậy nói nhiều rồi những làm chưa được bao nhiêu. Công nghiệp hóa không chỉ liên quan tới công nghiệp mà trước hết là hiện đại hóa, trong đó có công nghiệp hóa nông nghiệp. Trên thế giới có những nước hiện đại hóa, trong đó có công nghiệp hóa nông nghiệp rất thành công như Australia và New Zealand rất mạnh về bơ sữa, Đan Mạch rất mạnh về thịt lợn, Hà Lan rất mạnh về hoa... Tại sao Việt Nam không thể trở thành một nước mạnh về một vài nông sản?

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem