“Dịch tai xanh như một cơn lũ quét đối với ngành chăn nuôi, khi nó đã tràn qua vùng nào thì tất cả sẽ bị cuốn trôi”. Đây là phát biểu của PGS.TS Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT vào năm 2008 – thời điểm dịch tai xanh bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Việt Nam. Thời điểm này hơn 300.000 con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch tai xanh.
Năm 2010 bệnh đã xuất hiện ở hơn 20 tỉnh thành trên cả 2 miền Nam, Bắc. Nhất là ở miền Nam, đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện với quy mô lớn, trên hầu khắp các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu quả khiến hơn 450.000 con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch bệnh này.
Bệnh tai xanh (hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của lợn mọi nòi giống, mọi lứa tuổi. Bệnh tai xanh do một loại virus (virus PRRS) gây ra, tấn công các tế bào đại thực bào dẫn đến hiện tượng suy giảm miễn dịch ở lợn, tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn gây bệnh khác tấn công.
Đối với lợn nái, bệnh gây hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, lợn con sơ sinh yếu ớt, giảm số con sơ sinh/ổ, tình trạng bệnh kéo dài âm ỉ, rối loạn sinh sản, động dục kéo dài, chậm động dục trở lại. Đối với đực giống, số lượng tinh dịch giảm, chất lượng tinh dịch kém, ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai và chất lượng đàn con.
Những năm trước đây, mỗi năm Việt Nam bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nhập khẩu vắc-xin phòng chống bệnh tai xanh từ Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bắc Mỹ, Singapore nhưng hiệu quả không cao. Dịch tai xanh vẫn bùng phát hàng năm và trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi và nền kinh tế Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, dự án khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia “Công nghệ sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn” được triển khai, với sự chủ trì của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là dự án nằm trong chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 - một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Trong giai đoạn đầu (từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2017), dự án đã tuyển chọn thành công 3 giống virus cường độc, 3 giống virus nhược độc phục vụ nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng bệnh tai xanh.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đi vào nghiên cứu thành công vắc-xin nhược độc phòng bệnh tai xanh ở lợn đạt yêu cầu về độ vô trùng, thuần khiết (đạt 100%), an toàn (đạt 100%), hiệu lực lên đến trên 80%. Hơn 200.000 liều vắc-xin nhược độc phòng bệnh tai xanh đã được sản xuất thành công.
Trong giai đoạn tiếp theo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất vắc-xin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh tai xanh để đảm bảo nguồn vắc-xin thay thế vắc-xin nhập khẩu.
Sau khi dự án sản xuất thử nghiệm kết thúc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao quy trình sản xuất vắc-xin vô hoạt PRRS để sản xuất đại trà với quy mô công nghiệp ( dự kiến 10-15 triệu liều/năm).
Tính đến tháng 9/2019 đã có 1.000.000 liều vắc-xin vô hoạt phòng bệnh tai xanh đạt yêu cầu về độ vô trùng, thuần khiết (đạt 100%), an toàn (đạt 100%), hiệu lực lên đến trên 70%.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ sinh Học, Khoa Y học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Vắc-xin phòng bệnh tai xanh được sản xuất từ dự án này có sự tương đồng kháng nguyên với các chủng gây bệnh rất cao nên hiệu lực cao hơn hẳn vắc-xin nhập khẩu. Đặc biệt, vắc-xin trong nước có giá thành cạnh tranh, chỉ bằng 30 – 50% giá của vắc-xin nhập ngoại".
Khi Việt Nam chủ động về nguồn vắc-xin phòng bệnh tai xanh thì quá trình tiêm phòng, quá trình can thiệp sẽ được thực hiện theo đúng lịch trình, kịp thời và hiệu quả, tỷ lệ lợn chết do bệnh sẽ giảm đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.