Vĩnh biệt GS Võ Tòng Xuân-nhà khoa học suốt đời nặng trĩu với cây lúa đồng bằng
Vĩnh biệt GS Võ Tòng Xuân-nhà khoa học suốt đời nặng trĩu với cây lúa đồng bằng
Vũ Thống Nhất
Thứ năm, ngày 22/08/2024 06:30 AM (GMT+7)
Sáng nay 22/8, linh cữu GS Võ Tòng Xuân được di quan từ Nhà tang lễ TP CầnThơ về quê nhà Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang để an táng. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, bạn bè, người thân và ngành nông nghiệp của nước nhà. Vị GS cả đời nặng trĩu với cây lúa đồng bằng.
Dân làm báo đồng bằng ai cũng biết, cũng nể trọng ông.
Một con người đậm nét trí thức, từ dáng vẻ đến giọng nói từ tốn, tính cách khiêm nhường, uyên thâm, đa dạng kiến thức (ông nói về văn hóa và con người đồng bằng sông Cửu Long rất lôi cuốn), đặc biệt những gì ông cống hiến cho nông nghiệp, nông dân đồng bằng, đến tận lúc cuối đời.
Năm 2016 trước tình trạng "Mekong cạn dòng", đất đai khô cằn, nứt nẻ tôi ngược lên 2 xã đầu nguồn sông Tiền (xã Bình Thạnh - Hồng Ngự- Đồng Tháp) và sông Hậu (xã Khánh An - An Phú - An Giang). Sau đó dự hội thảo quốc tế "Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong" (Cần Thơ, 22-23/4/2016). Tranh thủ giờ giải lao tôi đem nỗi niềm đau đáu của lão nông Bùi Văn Triển đầu nguồn sông Tiền (xã Bình Thạnh) kể lại với GS Võ Tòng Xuân và xin câu trả lời: Người nông dân đã hy sinh hết cho đất mà nay họ phải bỏ đất ra đi? "Hạn xã hội" là "tiếng sáo ly hương" tha phương kiếm sống, "nóng" đất đồng bằng. Làm gì để họ khá lên, giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay?
GS Võ Tòng Xuân tự tin: Cần có tư duy mới về "nước" với một chiến lược tổng thể, dài hạn, hợp thực tiễn, hiệu quả hơn. Nước phải trở thành "yếu tố hàng hóa" trong cơ chế thị trường, phải chắt chiu, khai thác, tận dụng hiệu quả từng loại nước cho từng vùng sinh thái. Ngay tư duy coi nước mặn là kẻ thù cũng không hợp thời nữa. Hệ thống thủy lợi chuyên cho cây lúa nên điều chỉnh cho cả con tôm. Các giải pháp chiến lược về nước rõ ràng mang tính liên quốc gia; cần điều chỉnh thủy lợi, quy hoạch liên kết vùng, chú ý đến tái cơ cấu, chọn lựa hướng sản xuất (giảm diện tích lúa, chuyển dịch cây, con…).
GS Võ Tòng Xuân khẳng định: "Hạn, mặn năm nay cũng chỉ nên coi là một phần trong kịch bản đối phó. Các dự án phi nông nghiệp cần lực hút mới. Các mô hình, kỹ năng cụ thể, hiệu quả cho từng vùng đất (phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel…). Đồng bằng sẽ thoát hiểm, dù bất kỳ kịch bản nào. Điều cần là mọi người cùng quan tâm, có trách nhiệm, có cơ chế tốt; chủ động đối mặt và hành động thiết thực".
Giải báo chí Phan Ngọc Hiển (Cần Thơ) năm 2023 có một bài khá ấn tượng: "Hiệp sĩ" lúa Võ Tòng Xuân. Cái tít bài khá "độc", gợi mở tính cách xông xáo, chấp nhận đương đầu thách thức (khá tương đồng với tên Huy chương "Kỵ mã nông nghiệp".
"Hiệp sĩ" vì người trồng lúa
Sẽ không đầy đủ nếu gọi GS Võ Tòng Xuân là nhà khoa học cây lúa. Bởi với ông, nghiên cứu không phải để làm dày lý lịch khoa học, mà để giảm đi những khó nhọc của người trồng lúa với những kỳ tích "kinh điển" thế giới. Trong đó không ít lần ông chấp nhận đánh đổi cả sự nghiệp…như vị "Hiệp sĩ" vì người trồng lúa.
Công việc đang hanh thông thì bất ngờ năm 1971, ông tình nguyện về Việt Nam sau lời mời của GS Nguyễn Duy Xuân - Viện trưởng Đại học Cần Thơ.
Với vốn kinh nghiệm cộng tác với Đài phát thanh Philippines thời sinh viên, ông mạnh dạn đặt vấn đề với Đài phát thanh Sài Gòn xây dựng chương trình "Gia đình bác Tám". Trong đó, ông nhận trách nhiệm chuyên môn, kiêm diễn viên. Chương trình phát thanh lúc 5 giờ sáng hằng ngày phổ biến kỹ thuật nông nghiệp thông qua loại hình kịch ngắn hấp dẫn nên có sức cuốn hút rộng khắp.
Đầu năm 1978, ông mạnh dạn tìm đến Đài Truyền hình TP HCM đặt vấn đề hợp tác Chương trình Khoa học kỹ thuật nông nghiệp, trong đó ông trực tiếp viết kịch bản, kiêm đóng kịch. Biết được khả năng của GS qua Chương trình "Gia đình bác Tám" năm xưa, nhà đài đồng ý ngay. Tuy chỉ phát 1 lần/tuần với thời lượng 30 phút, nhưng do được chuyển hóa những kiến thức khoa học thành lời ăn tiếng nói ngày thường nên chương trình nhanh chóng thu hút khán giả. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ví von "làm ế cả chương trình cải lương" - loại hình giải trí yêu thích của đa số người dân đồng bằng sông Cửu Long.
"Giải thưởng danh giá này là thành tựu của nhiều thế hệ sinh viên và hàng triệu nông dân trồng lúa Việt Nam đã sát cánh cùng tôi trong nhiều năm qua" - GS Võ Tòng Xuân đã chia sẻ tại lễ nhận giải thưởng VinFuture năm 2023.
GS Sir Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã nhận định: "Từ giải thưởng của GS Võ Tòng Xuân cho thấy nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang với trí tuệ hàng đầu thế giới".
Năm 2023 nhiều người Việt Nam nức lòng khi gạo ST25 lần thứ 2 đăng quang giải Gạo ngon nhất thế giới. Cái tên kỹ sư Hồ Quang Cua được nhiều người nhắc đến với tư cách là "cha đẻ" của giống lúa, nhưng ít ai biết rằng chính GS Võ Tòng Xuân - người từng đặt nền móng cho cây lúa xóa đói, lại là người đã đặt nền móng cho giống lúa chất lượng cao để tăng giàu cho người trồng lúa.
Chuyện bắt đầu từ năm 1990, sau nhiều lần bày tỏ lo lắng về chất lượng lúa Việt Nam ở tầm trung, khó chen chân vào phân khúc giá cao trên thị trường thế giới, ông được đồng nghiệp ở IRRI gởi tặng giống lúa Khao Dawk Mali 105 với thông tin gọn: hạt dài, thơm, ngon cơm... Biết đây là giống lúa triển vọng, ông nghĩ ngay đến Hồ Quang Cua – học trò cũ có niềm đam mê lúa giống ở Sóc Trăng.
Không phụ lòng thầy, sau 4 năm mày mò, kỹ sư Cua cho ra đời thế hệ đầu tiên. Ngay trong lần "đem chuông đánh xứ người" gạo ST đã đạt giải Ba tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2017". Sang năm 2019, với sự "hộ tống" trực tiếp của GS Xuân, ST25 lần đầu đưa tên Việt Nam lên vị trí quán quân và thành tích này lại tiếp tục lặp lại vào năm 2023.
Cả cuộc đời nặng nợ với đất, nặng trĩu với cây lúa đồng bằng. Và hôm nay ông về lại với đất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.