|
Nhờ nguồn vốn cho vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo ở Con Cuông đang dựng nhà ở kiên cố. |
Thông qua tín chấp của Hội ND, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, nhiều gia đình từ chỗ "hai bàn tay trắng", nhờ được Ngân hàng CSXH cho vay vốn nay đã có của ăn của để.
Có tích lũy rồi
Năm 2006, thông qua tín chấp của Chi hội ND bản, gia đình ông Lưu Văn Hùng ở bản Thành Nam (xã Bồng Khê) được vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Với số tiền này, ông Hùng đầu tư trồng 2ha rừng nguyên liệu (mét và keo lai) kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Huyện vùng cao Con Cuông là nơi cư trú của 3 dân tộc chủ yếu là Thái, Kinh và Đan Lai. Tỉ lệ hộ nghèo hơn 34%. Nhờ biết cách sử dụng có hiệu quả từ các nguồn vốn vay ưu đãi, ngày càng nhiều hộ dân nơi đây đang từng bước thoát khỏi đói nghèo.
Đến nay, keo sắp cho thu hoạch, mét đã cho thu hoạch từ đầu năm 2010. "Với đà này, vài năm nữa gia đình tôi sẽ xây được căn nhà vững chãi, mua sắm được những tiện nghi cần thiết"- ông Hùng tâm sự.
Gia đình chị Lô Thị Xuân (dân tộc Thái) ở bản Thái Sơn (xã Môn Sơn) trước đây nghèo nhất nhì bản, bởi đông con, ruộng lại ít. Năm 2003, chị được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 5 triệu đồng để nuôi lợn thịt. Mỗi năm chị xuất chuồng 3- 4 lứa lợn, thu hàng chục triệu đồng.
Sau vài năm chị Xuân trả hết nợ ngân hàng. Năm 2007, chị tiếp tục vay ngân hàng 10 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi lợn thịt và lợn nái. Giữa năm 2010, chị vay thêm 15 triệu đồng mua máy xay xát, máy cày về làm dịch vụ. Trong chuồng nhà chị thường xuyên có khoảng 20 con lợn, 6 con trâu, bò, ngoài ra chị còn có 1ha rừng mét sắp cho thu hoạch. "Gia đình chúng tôi thoát nghèo rồi" - chị Xuân phấn khởi nói.
“Bà đỡ” của hộ nghèo
Không chỉ gia đình anh Hùng, chị Xuân mà hàng trăm hộ ở Con Cuông đã thoát nghèo, trong số này không ít hộ đã vươn lên khá giả.
Bà Nguyễn Thị Trung- Giám đốc Ngân hàng CSXH Con Cuông cho biết, tính đến hết quý năm 2010, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông lên tới hơn 110 tỷ đồng, tổng doanh số các chương trình đạt hơn 27 tỷ đồng (cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh- sinh viên nghèo, xuất khẩu lao động, xóa nhà ở tạm bợ...). Nguồn vốn vay đảm bảo đúng đối tượng.
Ngoài ra, Ngân hàng còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT giúp bà con nắm vững quy trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Nhờ đó, cơ bản đồng vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, các hộ vay trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Theo bà Trung, thông qua vay vốn sản xuất, người dân đã thay đổi tư duy làm ăn. “Ngân hàng CSXH thực sự là "bà đỡ" của nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện vùng cao biên giới Con Cuông”- chị Lô Thị Xuân khẳng định.
Công Kiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.