Ngày 11.12, khi có thông tin xảy ra một số “lùm xùm” trong nội bộ Nhóm mua, cửa hàng Café Yesterday đã từ chối trách nhiệm thanh toán giảm giá cho khách hàng đã mua tại Nhóm mua, dù trên voucher có logo, địa chỉ của Yesterday.
Trả lời Dân Việt về quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp này, Luật gia Phan Thị Việt Thu – Trưởng văn phòng giải quyết khiếu nại Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng, người tiêu dùng có thể kiện cả nhà cung cấp voucher là Nhóm mua và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ, cụ thể là quán Café Yesterday.
Theo đó, trong trường hợp người tiêu dùng đã nhiều lần thanh toán thành công bằng voucher Nhóm mua thì dù bất cứ chuyện gì xảy ra, Café Yesterday vẫn phải chấp nhận những phiếu giảm giá khách hàng đã mua của Nhóm mua giống trước đó.
Bà Thu cho rằng, khi Café Yesterday chấp nhận thanh toán bằng voucher cho khách hàng đồng nghĩa với việc công nhận sự hợp tác giữa họ và bên phân phối sản phẩm, ở đây là Nhóm mua. Voucher người tiêu dùng sở hữu cũng chính là hợp đồng hợp tác giữa đơn vị cung cấp sản phẩm, đơn vị phân phối và người tiêu dùng.
“Nếu có xảy ra rủi ro nào giữa Nhóm mua và Café Yesterday, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn phải được đảm bảo, tức Yesterday vẫn phải cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Do đó, người tiêu dùng có thể kiện Café Yesterday để đảm bảo các quyền lợi của bản thân”, bà Thu khẳng định.
Trong trường hợp khác, nếu phía đơn vị cung cấp sản phẩm từ chối voucher của nhà phân phối, người tiêu dùng vẫn có thể kiện phía nhà phân phối. Lúc này, họ sẽ trưng ra hợp đồng hợp tác giữa nhà phân phối với nhà cung cấp, cả hai phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng theo những điều khoản đã ký trong hợp đồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạn, Trưởng đại diện văn phòng phía Nam Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương) - một trong những đơn vị quản lý các dịch vụ kinh doanh qua mạng cho biết, qua thông tin trên báo chí mấy ngày qua thì Cục đã cũng đã kiểm tra sự việc để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Hạnh cũng xác định, nếu có sự cố xảy ra, thì cả 3 bên gồm Nhóm Mua, nhà cung cấp dịch vụ - sản phẩm (quán cà phê, spa,…) và người tiêu dùng đều có trách nhiệm liên đới.
“Nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ - sản phẩm vẫn phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, chứ không phải không có trách nhiệm gì như vị chủ quán cà phê kia nói”, bà Hạnh khẳng định.
Và giả sử nếu có trường hợp Nhóm Mua biến mất, thì các nhà cung cấp dịch vụ - sản phẩm này vẫn có trách nhiệm phải cung cấp dịch vụ - sản phẩm cho người tiêu dùng. Nếu không, người tiêu dùng có thể đến Hội bảo vệ người tiêu dùng để kiện các nhà cung cấp này.
Khải Huyền – Phụng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.