“Thu hồi thêm 20m, người dân cần đối thoại”
Đó là yêu cầu của ông Lê Đức Thuận (trú KV6, phường Lê Hồng Phong) khi nói về việc thu hồi đất để triển khai dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài (gọi tắt là dự án).
Theo người dân, tại văn bản chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định số: 6121/UBND-KTN (ngày 23.12.2015) do ông Phan Cao Thắng ký về việc đồng ý, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng trong phạm vi chiều rộng nền đường Bn = l3m, bổ sung thu hồi đất thêm 20m (về phía núi Bà Hỏa) đối với đoạn từ hẻm 50 đến giáp đường Nguyễn Tất Thành để phát triển quỹ đất tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường.
Đồng thời, giao cho UBND TP.Quy Nhơn triển khai thực hiện dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài, nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn quỹ đất thu được đối với phần diện tích thu hồi mở rộng thêm 20m.
Có khoảng 450 hộ dân ở phường Lê Hồng Phong sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: Dũ Tuấn
Tuy nhiên, việc bổ sung thu hồi thêm 20m đã bị nhiều người dân phản ứng dữ dội.
“Chúng tôi không đồng tình với chuyện thu hồi thêm 20m, lấy đất ở của dân làm dịch vụ thương mại để lấy tiền làm đường Hoàng Văn Thụ là không được. Nếu làm việc này thì phải đối thoại với dân, khi nào dân đồng tình mới được làm.
Còn việc mở đường 13m, chúng tôi đồng ý nhưng khi giải tỏa đền bù phải thực hiện theo đúng chính sách của nhà nước, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân. Trước hết, chúng tôi yêu cầu phải công bố rõ ràng bản đồ quy hoạch của tuyến đường, phải cắm mốc lộ giới tuyến đường rộng 13m”, ông Thuận đề nghị.
Dù băng rôn tuyên truyền với quyết tâm rất lớn nhưng dự án vẫn bị ách tắc. Ảnh: Dũ Tuấn
Thời gian qua, việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đã gây nhiều bức xúc cho người dân vì họ cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng. Đặc biệt, nhiều người dân ở tổ 39 và tổ 40, khu vực 6 (phường Lê Hồng Phong) đã gửi đơn kiến nghị tập thể đến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị làm rõ nhiều vấn đề về dự án này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong (TP.Quy Nhơn) cho rằng, việc người dân phản ánh chính quyền không công khai bản đồ quy hoạch lộ giới dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài theo tỷ lệ 1/500 là không chính xác.
“Tôi khẳng định, việc công bố quy hoạch là có, năm 2012 đã họp dân công bố tất cả lộ giới đường là 20m5 nhưng thấy việc đền bù lớn nên tỉnh đã yêu cầu nén lại còn 13m. Còn việc một số hộ dân không đồng ý thu hồi thêm 20m vì khi làm đường Hoàng Văn Thụ nối dài xong nhà họ ra mặt đường nên mới có chuyện phản ứng”, ông Hải cho hay.
Quản lý lỏng lẻo, lấn chiếm trái phép
Ông Lê Trí Thanh, cán bộ địa chính - xây dựng phường Lê Hồng Phong thừa nhận, dự án đã được triển khai công bố từ năm 1996 và trải qua rất nhiều thời kỳ lãnh đạo nhưng vẫn chưa làm được. Lý do được đưa ra là điều kiện thực tế không cho phép, kinh phí giải tỏa quá lớn. Vì vậy, nhiều hộ dân ở khu vực này nhiều năm nhưng không được xây dựng nhà cửa vì nằm trong vùng quy hoạch.
Theo ông Thanh, dự án đi qua 2 phường Ngô Mây và Lê Hồng Phong (TP.Quy Nhơn) với hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, riêng phường Lê Hồng Phong có khoảng 315 thửa đất với 450 hộ dân (giải tỏa 1 phần là 70 hộ, còn lại giải tỏa trắng). Đến nay, thủ tục áp giá bồi thường đã xong, thế nhưng mới chỉ có khoảng 45 hộ dân bàn giao trả mặt bằng, còn lại những hộ dân chưa đồng ý phương án bồi thường thì vẫn gởi đơn yêu cầu chính quyền giải quyết.
“Đa số, đất đai vùng này do khai hoang lấn chiếm mà có, hầu hết đất nông nghiệp, qua số liệu từ các thời kỳ cơ quan nhà nước đo đạc thì trong bản đồ địa chính, một số hộ dân vẫn không có tên. Chưa kể đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng trao tay đất đai không có giấy tờ theo luật đất đai nên rất phức tạp”, ông Thanh cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trao đổi với người dân về dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài. Ảnh: Dũ Tuấn
Ông Thanh thừa nhận, việc quản lý lỏng lẻo qua các thời kỳ lãnh đạo của địa phương đã để khoảng 30 hộ tự ý lấn chiếm đất đai. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng các đối tượng ‘đầu cơ’ đất mượn chính sách để làm điều không đúng, mua bán đất với giấy tờ không hợp pháp, lợi dụng xây nhà trái phép… gây khó khăn trong việc giải tỏa đền bù.
“Trước đây, có khoảng 25 hộ dân đã được đền bù giải tỏa nhưng với dự án này họ lại tiếp tục bị thu hồi đất. Người dân đề nghị cộng dồn 2 thời điểm giải tỏa để bố trí tái định cư phù hợp nhưng do hiện nay, chính sách bồi thường không cho cộng dồn. Đây cũng là vướng mắc lớn mà chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho ý kiến để giải quyết”, ông Thanh cho biết.
Nói về việc ‘ì ạch’ của dự án, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, cho rằng dự án đã triển khai thực hiện từ rất lâu nhưng làm được nửa đoạn đường đã bị ách tắc, còn vướng khoảng 1,3km. Đặc biệt, dự án còn phụ thuộc vào nguồn lực của địa phương, kinh phí, quỹ đất tái định cư… nên đây là “bài toán” khó được đặt ra cho chính quyền.
“Thực tế, chúng tôi thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng theo chính sách và khung giá của UBND tỉnh Bình Định ban hành. Tại điểm di dời của dự án là vùng ven núi, đa số tình trạng nhà ở dựa vách núi điều kiện rất chật hẹp nên việc di dời đến tái định cư sẽ giúp cuộc sống của người dân ổn định hơn. Đã có 4 điểm tái định cư phục vụ cho dự án này, trách nhiệm của chúng tôi là xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng để giao đất ở cho dân”, ông Nam khẳng định.
“Cán bộ phải xuống dân, nghe bằng nhiều tai”
Dân Việt đã đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có buổi tiếp xúc với cử tri với phường Lê Hồng Phong (ngày 6.11). Theo người dân, UBND TP.Quy Nhơn không công khai bản đồ quy hoạch lộ giới dự án đường Hoàng Văn Thụ nối dài theo tỷ lệ 1/500, không tiến hành cắm mốc cho nhân dân biết về diện tích đất ở, nhà ở, tài sản… bị giải phóng mặt bằng. Nhiều người không đồng tình với mức giá thu hồi đất để triển khai dự án vì quá thấp so với giá thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mục đích duy nhất của việc làm đường là để góp phần phát triển TP.Quy Nhơn, chứ không có lợi ích nhóm. Tuy nhiên, dự án đã giao cho thành phố Quy Nhơn 3 - 4 nhiệm kỳ rồi nhưng thành phố cứ "lúng ta lúng túng", không làm được.
“Đối với những nhà dân ở lâu đời, gia đình khó khăn thì cán bộ phải xem xét cho có tình có lý, không được đẩy người dân lâm cảnh "màn trời chiếu đất". Việc xác nhận nguồn gốc đất phải làm nghiêm túc, xác nhận cho dân phải suy nghĩ trước sau, đừng làm kiểu cho có, cho xong, việc gì chưa rõ thì cứ xuống với dân để lắng nghe bằng nhiều tai”, ông Dũng nói và mong người dân ủng hộ việc triển khai dự án.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.