Vụ công an viên hy sinh ở Bắc Ninh: Nước mắt người ở lại

Thứ bảy, ngày 10/10/2015 07:41 AM (GMT+7)
Nếu như chồng bà Sáu hy sinh sau những tháng dài chống chọi với vết thương thời chiến, thì người con trai của bà lại ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ giữa thời bình.
Bình luận 0

Một đời tần tảo

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, đôi mắt của bà Bùi Thị Sáu (SN 1957, trú tại thôn Trung, xã Cảnh Hưng) luôn thâm quầng và ngân ngấn nước.

Có lẽ, đến thời khắc này người đàn bà khắc khổ vẫn chẳng thể tin được cậu con trai đầu của mình là Nguyễn Công Đại (SN 1979), vốn là công an viên xã Cảnh Hưng lại “ra đi” một cách đầy đau đớn đến như vậy.

Đưa bàn tay chai sần lên lau vội những giọt nước mắt, bà tâm sự với chúng tôi: “Nếu như bố nó, ông Nguyễn Công Định (được phong tặng liệt sĩ năm 2004 - PV) hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì Đại lại “bỏ” tôi, vợ con và hai em nó giữa thời bình. Nghĩ mà đau quá, chú ạ!”.

img

Bà Sáu và chị Khánh - vợ anh Đại.

Theo lời kể của bà Sáu, ông Định là con trai duy nhất nên sau khi học xong THPT, ông được cử sang Đông Âu học. Nhưng vốn được sinh ra trong một gia đình cách mạng, nghĩ đến cảnh đất nước đang bị chia lìa bởi đế quốc xâm lăng, người thanh niên Nguyễn Công Định đành gác lại chuyện học hành, xung phong lên đường vào Nam chiến đấu.

Nhưng trong một trận đánh, không may một mảnh pháo đã phạt ngang vào phần đầu của người lính trẻ này. Vết thương tuy không làm Nguyễn Công Định bỏ mạng ngoài chiến trường nhưng nó đã làm cho ông mất gần như toàn bộ sức khỏe.

Kể về cơ duyên đến với ông Định, bà Sáu hướng ánh mắt về phía di ảnh của chồng rồi chầm chậm cho biết, nhà bà bên xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách xã Cảnh Hưng một con sông.

Theo đó, năm 1976, bà mới 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thì con gái, bà đồng ý lấy người thương binh Nguyễn Công Định hơn mình 5 tuổi bên kia sông làm chồng. Một đám cưới đơn sơ được tổ chức trong sự chúc tụng của bà con láng giềng, nhưng cũng không thiếu điều nghi hoặc bởi một nhẽ: Không biết vợ chồng nó sống với nhau được bao nhiêu năm và không biết cái Sáu có thể làm tròn trách nhiệm của người vợ hay không...?

Tất cả những nghi kỵ của người dân địa phương không phải là không có cơ sở khi chồng bà là một anh thương binh đã mất gần nửa hộp sọ trong lúc tham gia chiến đấu.

“Lẽ ra với mức thương tích như thế, ông nhà tôi phải được chăm sóc trong trung tâm dành cho thương binh nặng. Nhưng, vì gia cảnh quá khó khăn, hơn nữa vợ chồng cần ở gần nhau nên tôi đã xin cho ông ấy về nhà để tiện bề chăm sóc”, bà Sáu ngậm ngùi nhớ lại.

Ba năm sau ngày cưới, vợ chồng người thương binh Nguyễn Công Định đã có được niềm vui đầu tiên đó chính là cậu con trai kháu khỉnh Nguyễn Công Đại. Mới sinh hạ được vài ngày, bà Sáu lại quần quật sớm trưa kiếm cân gạo, mớ rau mà chẳng hề nghĩ đến chuyện kiêng cữ.

Thương vợ tảo tần sớm hôm, ông Định cũng cố gắng gượng, ra đồng kiếm mớ rau, con cá. Thế nhưng, hễ cứ trái gió, trở trời, người thương binh này lại gục ngã bởi di chứng của chiến tranh cứ như những nhát dao cứa sâu vào từng thớ thịt.

Nói về người chồng của mình, bà Sáu sụt sùi tâm sự: “Ngày trước, lúc chưa bị thương, nhà tôi nổi tiếng là người hát quan họ hay nhất vùng. Nhưng, những vết thương đó đã khiến cho ông thành một người khác, nóng giận thất thường. Những lúc như thế, tôi càng thương ông ấy nhiều hơn và càng thêm quyết tâm nuôi con cái ăn học trưởng thành”.

Cạn nước mắt

Bà tiếp tục sinh cho ông Định thêm hai cậu con trai nữa và vẫn một mình người đàn bà lam lũ này lao động quần quật để nuôi ba đứa con trai khôn lớn mà chẳng một lời than trách.

Bà bảo: “Cái số mình nó vậy rồi. Lấy chồng thì phải theo chồng. Nhìn chồng đau đớn mình cũng xót lắm chứ, nhưng biết làm sao được, thôi đành hết mình nuôi cho nó khôn lớn”.

Cũng theo thông tin mà bà Sáu cung cấp với PV, năm 2002, ông Nguyễn Công Định đã trút hơi thở cuối cùng vì di chứng của những vết thương. Sau một thời gian xét duyệt, năm 2004, ông Định được truy tặng danh hiệu liệt sĩ.

Nói lại sự việc xảy ra vào đêm 22.9, giọng bà Sáu run run: “Chuẩn bị đi ngủ thì tôi nhận được tin Đại can ngăn đối tượng vi phạm pháp luật đánh nhau, bị bọn nó đánh và đang đưa đi cấp cứu. Nhưng khi đến bệnh viện, Đại đã không qua khỏi. Sao bọn nó ác thế? Người cùng xã, ngày ngày giáp mặt với nhau mà chúng nó lại hành xử như vậy. Cũng thông qua đây, gia đình tôi mong rằng các cơ quan pháp luật phải điều tra, xử lý thật nghiêm minh những kẻ đã cố tình hãm hại Đại và lấy đó làm gương cho những kẻ khác”.

Cũng trong chiều 28.9, PV đã tiếp xúc với chị Bùi Thị Khánh (SN 1986), vợ của anh Nguyễn Công Đại.

Mặc dù ngồi cạnh mẹ chồng, nhưng trong ít phút trò chuyện với PV, đôi vai gầy gò của chị Khánh cứ run lên bần bật khi nhắc đến người chồng - công an viên bị sát hại.

Chị Khánh nghẹn ngào: “Nghe tin anh ấy mất mà em ngã khụy. Trước đây có gì khó khăn, nặng nhọc thì có anh ấy giúp đỡ. Vậy mà giờ đây, em chưa đến 30 tuổi đã thành góa phụ, lại một nách hai con. Giờ, em biết trông cậy vào ai?...”.

Chị Khánh bày tỏ, chồng làm công an viên, vợ làm trong một trung tâm từ thiện nên kinh tế gia đình chị cũng chẳng dư dả là mấy. Để tăng thêm thu nhập, ngoài công việc xã hội, anh chị cũng cố hết mình chăm lo, vun sới vườn tược. Nhờ tằn tiện tích cóp nên vợ chồng cũng đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.

“Cháu thứ hai thì chưa biết gì. Nhưng, cháu lớn thi thoảng lại hỏi: “Bố đi đâu mà lâu về thế mẹ?”, khiến em như chết điếng. Những lúc như thế, em chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc, mà dỗ dành bởi cháu vẫn còn quá nhỏ để biết được chuyện gì vừa xảy ra với bố và gia đình mình”, chị Khánh buồn rầu nói.

Nói về công việc mà anh Đại từng tham gia, chị Khánh phản ánh: “Nhiều đêm đang ngủ, nghe được hiệu lệnh là anh ấy lên đường. Thấy chồng tâm huyết, tận tụy với công việc, tôi cũng khuyên anh ấy là phải giữ gìn bởi đặc thù công việc. Nhưng không ngờ sự việc lại diễn ra như vậy”.

Chiều 28.9, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Khoáng, Trưởng Công an xã Cảnh Hưng xác nhận: “Tham gia vào lực lượng Công an xã từ năm 2008 đến nay, anh Đại luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cái chết của anh Đại làm chúng tôi bất ngờ nhưng không làm cho chúng tôi nhụt chí mà càng quyết tâm trong công tác phòng chống tội phạm. Anh Đại đang tham gia công tác phòng chống tội phạm, can ngăn các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì bị đánh đến chết. Sáng 28.9, chúng tôi đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ gửi lên Công an huyện Tiên Du và các cấp để đề nghị phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho anh Đại Bên cạnh đó, địa phương cũng gửi kiến nghị với mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ vợ và hai con anh Đại sau này”.

Bộ Công an tặng Bằng khen cho đồng chí Nguyễn Công Đại

Biểu dương tinh thần dũng cảm hy sinh trong đấu tranh phòng chống tội phạm của anh Nguyễn Công Đại, Bộ Công an đã truy tặng Bằng khen cho anh và giúp đỡ gia đình 10 triệu đồng.

Được biết, cho đến thời điểm này Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố, tạm giam đối tượng Nguyễn Mậu Lưu (27 tuổi, trú tại thôn Thượng, xã Cảnh Hưng) để điều tra hành vi giết người.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam thêm 3 đối tượng gồm: Nguyễn Đắc Quyết (29 tuổi); Nguyễn Đắc Hợi (33 tuổi); Nguyễn Đức Trường (28 tuổi, cùng trú tại thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du) điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nguyễn Bắc (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem