Vụ xe Innova lùi trên cao tốc:Trình tự Giám đốc thẩm vụ án thế nào?

Đình Việt Thứ ba, ngày 06/11/2018 09:22 AM (GMT+7)
Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên án 6 năm tù giam đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng, tài xế container đâm vào xe Innova đi lùi trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên cho rằng tài xế Hoàng đã không quan sát, không giảm tốc độ về mức an toàn, để đến khi còn cách khoảng 30m mới phát hiện có xe đang lùi.

img

Tài xế Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: IT

Phán quyết của tòa phúc thẩm đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều tài xế cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng, tài xế Hoàng không thể làm khác được.

Ngày hôm qua (6.11), ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định, cơ quan này sẽ nghiên cứu, xem xét lại bản án.

“Theo thẩm quyền, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Bản thân Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đã giao bộ phận nghiên cứu hồ sơ vụ án này”, ông Tuệ nói.

Ông Tuệ khẳng định: "Vụ án đã trải qua quá trình tố tụng của 3 cơ quan, để đưa ra kết luận, phải cân nhắc nhiều thứ. Chúng tôi đã yêu cầu Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên gửi hồ sơ ra, để nghiên cứu, xem xét”, ông Tuệ thông tin.

Sau thông tin này, nhiều độc giả thắc mắc đặt câu hỏi về trình tự Giám đốc thẩm vụ án được thực hiện như thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Theo luật sư Tuấn Anh, nếu sau khi rút hồ sơ vụ án trên mà phát hiện sại phạm trọng quá trình xét xử sơ thẩm hoặc phúc thì Chánh án Tòa án cấp cao tại Hà Nội sẽ ký kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Sau đó tòa án thành lập một hội đồng xét xử Giám đốc thẩm, hội đồng này sẽ xem xét lại tính đúng đắn của bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Sau khi xem xét, nếu thấy phiên tòa phúc thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, bản án phúc thẩm sẽ được giữ nguyên. Nếu phát hiện sai phạm sẽ hủy bản án đã tuyên và yêu cầu điều tra lại. Nếu xét thấy bản án sơ thẩm đã đúng sẽ giữ nguyên bản án đó.

Trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên tòa Giám đốc thẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem