Phương thức dạy nghề đa dạng
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nhà Bè cho biết, dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động cũng như điều kiện kinh tế, xã hội của huyện, thời gian qua Hội kết hợp với các đơn vị đã có các hình thức đào tạo nghề phong phú, đa dạng.
Trong đó, ngoài phương thức đào tạo nghề chính quy (tại các cơ sở dạy nghề), tại huyện còn duy trì được hình thức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó tại đây cũng có nhiều lớp đào tạo gắn với giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao. Riêng đối với lao động lớn tuổi, các đơn vị đã linh động thực hiện đào tạo nghề tại chỗ (dạy nghề lưu động) và giải quyết việc làm ngay tại nhà hoặc tham gia tổ hợp may trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, tại huyện Nhà Bè, công tác đào tạo nghề còn được thực hiện trực tiếp tại các doanh nghiệp. Bà Lê Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Tại đây người lao động vừa học nghề vừa sản xuất trực tiếp. Với cách này, người lao động vừa có thu nhập trong thời gian học nghề vừa có môi trường làm việc thực tế. Do đó, khi học xong người lao động đi vào thực tế làm việc hiệu quả hơn, năng suất cao hơn sau khi được đào tạo”.
Cũng chính vì có các hình thức đào tạo nghề linh động, đa dạng nên trong những năm qua huyện vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Theo thống kê của Hội Nông dân Nhà Bè, từ năm 2010 đến năm 2013 huyện đã mở 88 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.281 học viên. Trong đó có đến 74 lớp đào tạo các nghề phi nông nghiệp, còn lại 14 lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, tại huyện đã mở được 4 lớp dạy nghề cho nông dân với 160 học viên được đào tạo các ngành nghề từ chăm sóc hoa lan, cây cảnh đến nuôi lươn, nuôi tôm…
Học xong dễ tìm việc
Anh Cao Ngọc Điệp (ngụ xã Phước Lộc) cho biết, anh vừa được cấp chứng chỉ nghề thợ hồ cách đây hơn 2 tháng. Sau khi học nghề, anh biết thêm nhiều cách làm trong xây dựng, nắm vững kiến thức nên làm việc tốt hơn. Cũng theo anh Điệp, nếu như trước đây công việc anh thất thường, thì sau khi học nghề anh dễ tìm việc hơn, thu nhập cũng ổn định hơn với mức trên 7.000.000 đồng/tháng.
Còn anh Trần Ngọc Hiển (xã Phước Lộc) cũng cho biết, trước đây ai thuê gì thì anh làm việc đó, công việc không ổn định. Nhưng sau khi được đào tạo và cấp chứng chỉ nghề xây dựng thì anh dễ tìm kiếm việc hơn. Anh cũng đang được Hội Nông dân hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong một công ty xây dựng. Hiện anh đang chờ hoàn tất các thủ tục để vào làm việc tại công ty.
Ông Võ Thanh Tòng - Phó ban Tuyên huấn (Hội Nông dân TP.HCM) cho biết, Nhà Bè là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Các hình thức đào tạo nghề đa dạng được thực hiện tại huyện đã đáp ứng nhu cầu học nghề của các lao động nông thôn.
Bà Lê Thị Ngọc cho hay, công tác đào tạo nghề của huyện nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Thời gian qua hội đã liên kết được với một số doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước, Long Hậu mở nhiều lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động.
Nhiều người sau khi học các nghề đông lạnh, kim hoàn, cơ khí, xây dựng… đã được công ty nhận vào làm việc. Ước tính mỗi năm tại huyện giải quyết việc làm được cho hơn 700 lao động nông thôn. Trong đó riêng lao động là nông dân giải quyết được khoảng 250 người/năm.
Cũng theo bà Ngọc, trong thời gian tới Hội tiếp tục phối hợp Phòng Kinh tế, Phòng LĐTBXH huyện tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Hội cũng liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.