Vùng an toàn dịch bệnh: “Chìa khóa” chặn cửa dịch cúm gia cầm
Vùng an toàn dịch bệnh: “Chìa khóa” chặn cửa dịch cúm gia cầm
Tuấn Linh
Thứ sáu, ngày 23/09/2022 11:45 AM (GMT+7)
Dịch cúm gia cầm (CGC) vẫn đang xuất hiện lẻ tẻ các ổ dịch tại một số địa phương. Lãnh đạo Cục Thú y và Bộ NNPTNT đều cho rằng, thời điểm này chưa thể lơ là việc phòng chống dịch.
Ông Lê Hải Đồng - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP kinh doanh thuốc thú y Amavet nhận định, hiện nay có không ít khó khăn, thách thức với người chăn nuôi trong việc phòng chống CGC. Đó là địa bàn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán rộng tới vùng sâu, vùng xa với nhiều giống gà khác nhau, cơ sở ấp nở tư nhân nhiều nên việc vận chuyển và bảo quản vaccine khó khăn. Bên cạnh đó, việc giết mổ không tập trung, thiếu chuyên nghiệp nên nếu dịch bệnh xảy ra rất khó kiểm soát… Ông Đồng cho rằng, để có thể xử lý dứt điểm bệnh CGC, cần quy hoạch vùng chăn nuôi, tạo hàng rào tốt về an toàn sinh học, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung lớn, hiện đại…
Mới đây, Bộ NNPTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ưu tiên về vùng an toàn dịch bệnh giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đánh giá: Trong chăn nuôi, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm động vật trong vùng an toàn dịch bệnh khi xuất bán được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch.
Ở góc độ khác, theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong khi, việc triển khai vùng an toàn dịch bệnh ở nước ta còn khá khiếm tốn. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước mới có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm 1.462 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 2.039 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 204 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Riêng với Hà Nội, ông Sơn cho hay, mặc dù đứng top đầu cả nước về chăn nuôi nhưng hiện mới có 4 vùng an toàn dịch bệnh dại, duy trì 38 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn.
Nhận thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, thời gian qua nhiều địa phương đã chú trọng và có chỉ đạo, đầu tư cho hoạt động này. Theo ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, tỉnh thuộc tốp đầu cả nước trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Trong năm 2021, toàn tỉnh duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện và 11 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã với bệnh cúm gia cầm, Newcastle. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 648 trại lợn gà, bò, vịt… được công nhận an toàn dịch bệnh.
Tại Bắc Giang, tổng đàn gà toàn tỉnh đạt hơn 17 triệu con, riêng huyện Yên Thế duy trì quy mô từ 3,8-4 triệu con, mỗi năm huyện xuất từ 12-14 triệu gà thương phẩm. Theo kế hoạch, Đề án vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Yên Thế thực hiện trong 5 năm (2021-2025), tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh CGC và Newcastle trên gà. Huyện Yên Thế, Sở NNPTNT Bắc Giang đang phấn đấu cuối năm 2022 sẽ hoàn thành đề án và đề nghị Cục Thú y công nhận huyện Yên Thế là vùng an toàn dịch bệnh.
Năm 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục duy trì 6 vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được Cục Thú y chứng nhận, trong đó có vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh CGC và Newcastle tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng 2 vùng, 3 cơ sở cấp xã và 15 cơ sở, trang trại an toàn dịch bệnh động vật để được các cấp có thẩm quyền chứng nhận trong năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.