Thu nhập gấp 5 - 7 lần trồng sắn
Vào một ngày mưa phùn, khi chúng tôi ngỏ ý muốn thăm vườn sâm của các hộ dân nơi đây đã được đích thân ông Trần Nết - Chủ tịch UBND xã Măng Cành dẫn đi. Băng qua một đoạn đường rừng, chúng tôi ghé thăm vườn sâm đương quy chưa đầy 1 năm tuổi của gia đình anh A Dong (thôn Đăk Ne).
Lãnh đạo xã Măng Cành thăm vườn sâm tươi tốt của anh A Dong. Ảnh: T.H
"Với giá bán 40.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha sâm đương quy cho thu tới 120 triệu đồng, lại không phải đầu tư nhiều. Nếu so với trồng mì, trồng bắp thì trồng sâm cho thu nhập cao gấp 5 - 7 lần”.
Ông A Thô
|
Anh A Dong kể: “Ngày trước gia đình mình chỉ biết trồng mì, trồng bắp thôi. Sau khi được xã hỗ trợ giống, tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc sâm đương quy, bây giờ mình có hơn 6.000 gốc sâm phát triển tốt”.
“Lên đời” sớm hơn mọi người nhờ dược liệu là ông A Thô (43 tuổi, trú tại thôn Đăk Ne). Ông Thô bắt đầu trồng dược liệu từ đầu năm 2018, với 700m2 cây đương quy, sau gần một năm chăm bón gia đình ông đã thu hoạch được 2 tạ củ. “Với giá bán 40.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha sâm đương quy cho thu tới 120 triệu đồng, lại không phải đầu tư gì nhiều. Nếu so với trồng mì, trồng bắp thì trồng sâm cho thu nhập cao gấp 5 - 7 lần” - ông Thô nói.
Theo ông Trần Nết, diện tích dược liệu trên địa bàn xã Măng Cành hiện nay là 18,5ha, kế hoạch đến hết năm 2019 là 30,2ha. Trong số diện tích các loại dược liệu đã trồng, nhiều nhất vẫn là sâm đương quy, sâm dây…, tập trung ở các thôn Kon Tu Răng, Kon Tu Ma. Để phát huy lợi thế về khí hậu, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, UBND xã đã hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng các mô hình sâm đương quy, sâm dây, nghệ đỏ… Không chỉ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, xã còn phối hợp với UBND huyện tìm các hợp tác xã, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm khi người dân thu hoạch.
Mở rộng quy mô
Thời gian qua, UBND xã Măng Cành đã tích cực vận động người dân thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng dược liệu. Bên cạnh đó, xã còn đưa các chương trình, dự án phát triển dược liệu với vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng đến với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số… Trên địa bàn xã cũng đã có một số doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến dược liệu để cung cấp sản phẩm trên phạm vi toàn quốc. Trong đó HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn đã có nhà máy chế biến cao đương quy, công suất 1.000kg củ tươi/tuần và thu về khoảng 80kg cao đương quy. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cao, HTX đã ký hợp đồng với bà con nông dân từ hỗ trợ giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm để mở rộng vùng nguyên liệu đương quy.
Nói về triển vọng của dược liệu trên địa bàn, ông Nết cho biết: “Các loại cây dược liệu mới đưa vào trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai trồng các loại cây dược liệu như đương quy, đẳng sâm với quy mô lớn hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình tưới nước nhỏ giọt trên luống dược liệu. Đặc biệt, sẽ vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đầu tư vào việc phát triển dược liệu, khuyến khích hình thành nhiều HTX liên kết các hộ dân với nhau”.
Trên phạm vi toàn huyện, theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Kon PLông sẽ phát triển trên 110ha vùng trồng dược liệu tập trung, với một số loại có giá trị kinh tế cao, sức tiêu thụ mạnh như sâm đương quy và sâm dây. Bên cạnh đó, huyện sẽ hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất các loại giống dược liệu, kêu gọi đầu tư chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết định hướng xuất khẩu.
Ở giai đoạn sau 2020, huyện Kon Plông định hướng nâng tổng diện tích dược liệu lên khoảng 2.581ha, ngoài sâm dây và đương quy sẽ có thêm ngũ vị tử, sa nhân tím, lan kim tuyến, nấm dược liệu… Một trong những giải pháp quan trọng sẽ được triển khai là khoanh vùng sản xuất từng loại dược liệu, gắn với dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, mở rộng quy mô sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.