Người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa hàng trăm năm qua vẫn giữ giống một loại lúa quen ví như "ngọc trời"

Công Tâm Thứ năm, ngày 26/05/2022 05:41 AM (GMT+7)
Trải qua hàng trăm năm, bà con vùng đồng bào dân tộc, trong đó có cộng đồng người Raglai huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn quyết tâm gìn giữ, bảo quản giống lúa rẫy, một giống lúa bản địa mà bà con quen gọi hạt "ngọc trời".
Bình luận 0

Nương rẫy của người dân miền núi

Huyện Khánh Vĩnh nằm cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 30 km về hướng tây, nơi đây ngoài các sản phẩm nông sản nổi tiếng bưởi da xanh, sầu riêng, quýt thì một sản phẩm mà hầu như nhà nào cũng gìn giữ và không thể thiếu trong bữa ăn gia đình đó chính là giống lúa rẫy. 

Khánh Hòa: Hàng trăm năm qua bà con miền núi quyết giữ hạt "ngọc trời" - Ảnh 1.

Bà con đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Raglai huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa rất quý giống lúa rẫy, bởi hương vị rất khác so với các giống lúa khác. Ảnh: Công Tâm

Dạo quanh đồi núi Khánh Vĩnh vào những ngày này mới thấy được không khí mùa màng đang thật sự rộn ràng với bà con. Những bông lúa mập mạp, màu vàng óng ả chín rộ đang khoe sắc như một bức tranh vẽ tuyệt đẹp.

Giữa không khí se lạnh, vượt qua đồi núi cheo leo, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy nông dân các xã miền cao Liên Sang, Sơn Thái, Khánh Thượng, Giang Ly (Khánh Vĩnh) đâu đâu cũng thấy sự hối hả của một vụ mùa bội thu. Chàng trai trẻ thì thực hiện công đoạn phơi lúa, vác lúa và những người phụ nữ sàng sảy, giã gạo, thu hoạch.

Khánh Hòa: Hàng trăm năm qua bà con miền núi quyết giữ hạt "ngọc trời" - Ảnh 2.

Những cô gái miền núi Khánh Vĩnh đang tung tăng thu hoạch lúa rẫy. Ảnh: Công Tâm

Đang thu loay hoay phơi lúa, ông Cao Hành (SN 1961, thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng, Khánh Vĩnh) cho biết: "Năm nay, mưa nhiều nên lúa trên rẫy tốt lắm, hạt nhiều và to đều. Gia đình tôi mới thu hoạch, phơi khô được 4 bao, năm nay được mùa nên hơn năm trước một bao và Tết này nhà tôi không lo thiếu gạo ăn nữa rồi".

Hạt ngọc trời không thể thiếu trong bữa ăn các gia đình 

Đối với người T'Rin, người Raglai của miền núi Khánh Vĩnh, hạt cơm lúa rẫy cũng giống như tiếng chiêng, tiếng trống, không thể thiếu trong đời sống. Hạt cơm lúa rẫy không chỉ nuôi sống lớp lớp thế hệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc qua các mùa lễ hội.

Khánh Hòa: Hàng trăm năm qua bà con miền núi quyết giữ hạt "ngọc trời" - Ảnh 3.

Những bông lúa rẫy đang bước vào mùa thu hoạch, người dân Khánh Vĩnh rất mừng có được hạt ngọc trời. Ảnh: Công Tâm

Trao đổi với PV, ông Pi Năng Là Bê - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thượng cho biết, lúa rẫy được bà con các dân tộc, trong đó có dân tộc Raglai gìn giữ hàng trăm năm qua các thế hệ. Tuy năng suất không đạt so với giống lúa khác, nhưng bà con rất quý loại giống này, bởi vừa đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ, lưu giữ nét trồng thống cha ông để lại và hương vị cơm rất ngon nên mọi nhà rất thích.

Theo vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thượng, lúa rẫy nông dân năm nào cũng trồng chủ yếu dựa vào nước trời. Toàn xã có 3 thôn đều trồng giống lúa rẫy, lúa rẫy được trồng trên các đồi cao, mỗi người canh tác khác nhau.

Khánh Hòa: Hàng trăm năm qua bà con miền núi quyết giữ hạt "ngọc trời" - Ảnh 4.

Cây lúa rẫy người dân trồng chủ yếu dựa vào nước trời, hoàn toàn không phun thuốc, bón phân mà chỉ phát cỏ đến thời kỳ lúa chín rộ thì thu hoạch. Ảnh: Công Tâm

Theo đó, trên địa bàn xã có 30ha diện tích làm lúa rẫy, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất bình quân 4-5 tạ/ha, có hộ đất tốt đạt 6-7 tạ/ha. Có hộ sau khi thu hoạch keo thì trồng lúa rẫy, có hộ trồng xen canh với bắp, đậu,...

Clip: Ông Cao Hành (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ về giống lúa rẫy

Những hộ có kinh nghiệm trồng lúa rẫy tại địa phương cho hay, loại lúa này khi trồng đào lổ nhỏ rồi bỏ từng hạt chứ không gieo sạ giống như các giống lúa ở đồng bằng. Đặc biệt, hoàn toàn không phun thuốc, bón phân mà chỉ phát cỏ đến thời kỳ chín rộ lên thu hoạch. Bà con trồng và thu hoạch đều làm theo phương pháp thủ công. 

Khánh Hòa: Hàng trăm năm qua bà con miền núi quyết giữ hạt "ngọc trời" - Ảnh 6.

Lúa rẫy sau khi thu hoạch bà con sẽ chọn những hạt to để trồng lại cho các vụ sau, cứ thế giống lúa rẫy được gìn giữ hàng trăm năm qua. Ảnh: Công Tâm

Bà Cà Thia (44 tuổi, xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: "Giống lúa rẫy được các thế hệ trước hướng dẫn trồng trọt, sau khi thu hoạch đem về phơi và chọn những hạt to, mập mạp để bảo quản trồng lại vụ sau. Số còn lại để làm thức ăn trong năm của gia đình. Có một số người hỏi mua, nhưng gia đình tôi hoàn toàn không bán. Thông thường bà con trồng từ tháng 4, 5, 6 AL, tức giai đoạn sau khi mưa giông sẽ trồng". 

Theo nhạc sĩ Hình Phước Liên (người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa người Raglai), cũng như nhiều dân tộc Tây Nguyên khác, người Raglai có tục “ăn đầu lúa mới” và tập tục này gắn liền với vòng sinh trưởng của cây lúa rẫy. Trước đây, khi lúa đến mùa sắp thu hoạch, bà con phải chọn một khoảnh lúa tốt nhất rồi bó lại thành từng bó nhỏ, đợi đến khi thu hoạch thì đem những bó lúa này để cúng Yang (trời).

 Lễ ăn đầu lúa mới gần giống như ngày Tết của người Kinh. Ngày nay, người Raglai đã biết trồng lúa nước nên diện tích trồng lúa rẫy còn rất ít. Tuy vậy, từng gia đình vẫn giữ lại một khoảng đất rẫy để trồng lúa vì phải có lúa vào khoảng tháng 11 âm lịch để làm lễ ăn đầu lúa mới. Lúa rẫy ngày nay chủ yếu dùng để làm rượu cần, cúng kính ông bà và đãi khách là chính chứ không sử dụng để ăn như ngày xưa. Hạt lúa rẫy vì thế càng có ý nghĩa hơn trong đời sống văn hóa của người Raglai.  





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem