Ông Văn Hùng - một người chăn nuôi ở thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương cho biết, ông mới cho xuất chuồng gần 1.000 con gà tam hoàng với giá 32.000 đồng/kg. Sau khi trả tiền cám, thuốc men, con giống, ông lỗ gần 5 triệu đồng.
"Đó là còn may, bầy gà này không bệnh chết nhiều, trọng lượng cũng khá, nếu không thì lỗ còn dữ hơn. Với lại tôi bán sớm, hàng xóm nhà tôi bán muộn hơn, gà còn có 26.000 đồng/kg".
|
Giá thức ăn tăng, người nuôi gà lỗ nặng. |
Với gương mặt buồn xo, ông Sáu Mỹ ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết nhà ông có gần 6.000 con gà tam hoàng và công nghiệp. Vừa qua, cứ mỗi ngày ông cho xuất chuồng 500 con. Giá cả cứ mỗi ngày giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg.
"Thương lái lấy lý do đợt này gà xuất chuồng nhiều quá nên giá giảm. Nếu không chịu giá đó và để họ bắt gà thì một ngày phải đổ vào cả triệu tiền cám thì đã lỗ còn lỗ nặng hơn" - ông Sáu giải thích. Đến nay, trại ông đã cho xuất gần 3.000 con gà. “Tính ra đợt gà này, tôi đã lỗ gần 40 triệu đồng" - ông Sáu cho biết.
Nguyên nhân lỗ, theo giải thích của ông Hùng và ông Sáu Mỹ là do giá thành gà lên quá cao. Giá thành một con gà tam hoàng giờ đã là 34.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có 29.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty Phú An Sinh (TP.HCM) cho biết trong nhiều tuần qua, giá gà liên tục giảm. "Khi có dịch heo tai xanh, người dân chuyển qua ăn gà nhiều, đẩy giá gà lên cao, khiến người dân ham mà gầy đàn mới nuôi quá nhiều.
Đến nay dịch heo tai xanh đã hết, người ta chuyển lại dùng heo nhiều hơn, cầu ít mà cung lại nhiều khiến giá gà giảm thảm hại. Trong khi đó, giá các nguyên liệu đầu vào như cám, con giống... lại tăng mạnh khiến người nuôi lỗ nặng" - ông Minh giải thích.
Theo tính toán của ông Trần Văn Nhân - hộ chăn nuôi gà ở xã An Sơn huyện Thuận An (Bình Dương), 2 tháng qua, trung bình cứ một tuần, cám tăng lên 2.000 - 3.000 đồng/bao, thuốc thú y tăng từ 1.000 lên 1.500 đồng/con, con giống tăng lên từ 5.000 - 6.000 đồng/con. “Giá bán thì giảm, giá thành lại tăng lên như thế, chắc sớm muộn gì cũng phá sản" - ông Nhân lo lắng.
Đó cũng chính là lý do vì sao hiện nhiều hộ nuôi gà ở các tỉnh miền Đông Nam bộ vẫn chưa mặn mà với việc chuẩn bị đầu tư cho lứa gà bán Tết do cụt vốn hoặc còn mắc nợ.
Phụng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.