Mặc dù nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi, địa hình tương đối bằng phẳng, nhưng đời sống của người dân Minh Tiến vẫn còn rất khó khăn.
|
Ở xã Minh Tiến, hộ nào cũng phải xây bể để hứng nước mưa. |
Xã khát
Ông Nguyễn Minh Quyền - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến cho biết: "Xã có 428ha đất lâm nghiệp, 240ha đất nông nghiệp, trong đó hơn nửa chỉ cấy được 1 vụ, 1 vụ bỏ hoang do thiếu nước. Làm nông nghiệp mà thiếu nước nên chúng tôi đang rất bế tắc, cả xã có 1.800 hộ, thì hộ nghèo chiếm tới 54%". Theo ông Quyền, thôn 10 và thôn Thành Phong là hai thôn khan nước trầm trọng nhất (khoảng 6 - 8 tháng/năm).
Về thôn 10, thôn Thành Phong những ngày cao điểm của mùa khô mới thấy hết sự kham khổ vì thiếu nước của người dân nơi đây. Vừa múc từng gáo nước trong chum rửa rau, chị Nguyễn Thị Hạnh nói như than: "Nước vo gạo, rửa rau, rửa chân tay, rồi mới đến cho lợn, gà. Nhà tôi có 5 khẩu, với 2 con lợn, mấy chục con gà, nhưng tháng nào cũng phải mua 2 phuy nước (200.000 đồng/phuy 200 lít). Không chăn nuôi thì không được, mà chăn nuôi có khi còn lỗ".
Thôn Thành Phong có phần "sướng" hơn thôn 10, vì dù sao cả thôn vẫn còn 2 cái giếng có nước. Nhưng để có nước, họ phải dậy từ sáng sớm để gánh, bởi lượng nước có hạn. Đang kéo vội gầu nước để trút vào can, chị Phạm Thị Mai, thôn Thành Phong nói: "Nhà tôi gần giếng còn đỡ, các hộ xa đều phải mua nước hết, nhà ít khẩu dùng tiết kiệm cũng phải hết 60 - 80 nghìn đồng/người/tháng, đối với ND chúng tôi là cả một vấn đề".
Chưa có lời giải
Để có nước sinh hoạt, người dân đã dùng đủ mọi cách từ xây bể chứa nước mưa, đào, khoan... Có lẽ hiếm có nơi nào lại có tỷ lệ, mật độ đào giếng cao như nơi đây. Hầu như hộ nào cũng đào 1 - 2 cái giếng, nhiều thì 3 - 4 cái, nhưng đào xuống là mắc đá, hoặc đào, khoan mãi nhưng chẳng thấy nước đành bỏ.
Nước vo gạo, rửa rau, rửa chân tay, rồi mới đến cho lợn, gà. Nhà tôi có 5 khẩu, với 2 con lợn, mấy chục con gà, nhưng tháng nào cũng phải mua 2 phuy nước (200.000 đồng/phuy 200 lít).
Chị Nguyễn Thị Hạnh
Đưa tay chỉ những cái giếng cạn, anh Phạm Văn Tuấn, thôn 10 cho biết: "Hôm trước có đoàn địa chất đi thăm dò, tôi hỏi họ bảo tầng đất khô và bị "dính" đá tảng nên rất ít nước".
Hỏi về giải pháp để cứu "cơn khát" cho người dân nơi đây, ông Quyền trầm ngâm một lúc rồi bảo: "Theo tôi có 2 cách, một là thăm dò khoan ở những vùng có nước, rồi bơm về bể chung, sau đó phân phát đi các hộ; hai là xây dựng nhà máy nước bơm từ sông Mã về. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều cần kinh phí rất lớn, điều kiện ngân sách xã không thể kham nổi, nếu không có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước".
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.