Xây dựng thương hiệu miến dong Việt Cường

Thứ hai, ngày 19/09/2011 04:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thôn Việt Cường (xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nổi tiếng với sản phẩm miến dong. Việc sản xuất miến dong ở Việt Cường càng phát triển mạnh khi người dân tổ chức sản xuất theo bài bản.
Bình luận 0

Việt Cường được Hội ND tỉnh Thái Nguyên chọn làm điểm xây dựng “Làng văn hoá sức khoẻ”. Qua cổng thôn, dưới tán những vườn nhãn sai trĩu quả là những sân phơi miến dong rộng thênh thang.

img
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường (giữa) tìm hiểu công việc làm miến dong của hộ anh Đặng Quang Tân.

Xây dựng thương hiệu từ chất lượng

Những ngày đầu tháng 9, trời đang nắng nên máy rút miến tròn của gia đình anh Đặng Quang Tân chạy hết công suất. 5 lao động tất tả làm việc, người điều khiển máy, đưa bột, người đưa băng phơi ra vào. Bình quân mỗi ngày, gia đình anh Tân làm 3-4 tạ miến thành phẩm. Miến thành phẩm có 2 loại: Loại 1 bán 50.000 đồng/kg, loại 2 bán 40.000 đồng/kg.

“Trừ chi phí, mỗi cân miến lãi từ 5.000 -7.000 đồng. Trước kia làm thủ công mệt và cách rách lắm. Từ ngày đưa máy móc vào, năng suất, chất lượng miến tăng nên lợi nhuận, ngày công của người lao động cũng được cải thiện”- anh Tân cho biết.

Mỗi gia đình làm miến ở Việt Cường tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 lao động. Gần giáp Tết Nguyên đán, để đáp ứng đủ các đơn hàng từ khắp nơi gửi về, số lao động càng tăng. Lao động tại chỗ không đáp ứng được nên phải thuê bên ngoài. Ông Đào Trung Việt - Phó Chủ tịch Hội ND xã Hoá Thượng cho biết: “Chưa tính cơm ăn, nếu ngày làm 1 mẻ bột thì mỗi lao động có 80.000 đồng, làm 2 mẻ cộng với công phơi miến thu nhập tới 300.000 đồng”.

Mấy năm gần đây, miến dong Việt Cường có mặt ở khắp các tỉnh 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhất là ở các thành phố lớn. “Dù miến luôn trong tình trạng khan hàng nhưng các gia đình luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Bởi chất lượng đã làm nên uy tín và thường hiệu miến dong Việt Cường”- anh Đỗ Thành Long - một chủ hộ làm miến chia sẻ.

Thiếu vốn mở rộng sản xuất

Việc tổ chức sản xuất miến ở thôn Việt Cường ngày càng bền vững và mang tính thị trường rất cao. Nhiều hộ làm miến đến các tỉnh miền núi đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Diện tích dong riềng có sự đầu tư tiền vốn của người dân Việt Cường nhiều nhất hiện nay là 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Bắc Kạn.

Trước khi trồng vụ dong riềng mới, người dân Việt Cường lên vùng nguyên liệu đặt hàng bằng việc ứng vốn trước không lãi cho người dân địa phương mua giống, vật tư, phân bón. Bình quân mỗi hộ bỏ ra trên dưới 100 triệu đồng đầu tư cho vùng nguyên liệu. Khi thu hoạch dong riềng lại hướng dẫn bà con mài bột rồi thu mua bột thành phẩm.

Trong chuyến công tác tại Thái Nguyên mới đây, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã về thăm thôn Việt Cường. Chủ tịch đề nghị Hội ND tỉnh Thái Nguyên cần hướng dẫn người dân thành lập các nhóm sản xuất. Thông qua nhóm sản xuất, Quỹ HTND có thể hỗ trợ vốn cho người sản xuất.

“Sản xuất miến dong quy mô hàng hoá cần rất nhiều vốn. Riêng đầu tư giàn máy rút miến, thuê sân phơi, xây dựng nhà xưởng, kho chứa đã hết hơn 1 tỷ đồng, nên thường 2-3 gia đình góp tiền lại làm chung. Nói là 36 hộ làm miến dong lớn trong thôn nhưng thực tế số hộ tham gia nhiều gấp 3 lần”- ông Đào Trung Việt cho hay.

Để mua đủ lượng bột dong riềng làm miến cho cả năm, vốn lưu động của mỗi hộ cũng lên tới hàng tỷ đồng. “Vay vốn ngân hàng thương mại rất khó. Nếu được vay, mức cao nhất cũng chỉ 200 triệu đồng không đủ để bà con mua một chuyến bột nguyên liệu”- anh Việt cho biết thêm.

Theo bà Trần Thị Phượng - Chủ tịch Hội ND xã Hoá Thượng, thời điểm hiện nay mới có 21 hộ làm miến dong ở Việt Cường được vay 226 triệu đồng vốn ưu đãi của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH thông qua Hội ND.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem