Xe tăng Abrams của Mỹ có vượt trội so với T-14 Armata của Nga?

Lê Phương (Newsweek) Thứ hai, ngày 30/01/2023 15:15 PM (GMT+7)
Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, được nhiều người coi là tiêu chuẩn vàng của xe tăng chiến đấu chủ lực, sẽ được đưa đến tiền tuyến Ukraine, Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào tuần trước. Tuy nhiên, T-14 Armata của Nga, được mệnh danh là "siêu xe tăng", cũng có thể tham chiến, theo các đánh giá quốc phòng gần đây.
Bình luận 0
 Xe tăng Abrams của Mỹ có vượt trội so với T-14 Armata của Nga? - Ảnh 1.

Xe tăng Abrams của Mỹ so sánh với xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: Getty

"Xe tăng Abrams là xe tăng có năng lực mạnh mẽ nhất trên thế giới", Tổng thống Biden cho biết hôm 25/1 khi ông cam kết chuyển giao 31 chiếc Abrams cho Kiev. 

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phản hồi về thông báo này, được đưa ra ngay sau khi Đức hứa cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, bằng cách bình luận rằng Abrams "sẽ bị đốt cháy giống như tất cả những chiếc xe tăng khác" trên tiền tuyến. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết phản ứng từ Moscow không phải là mới và Washington đã "nghe thấy điều đó trước đây".

Sau phản hồi của Nga, Anton Gerashchenko, một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine đã đăng tải lên Twitter một đoạn clip, trong đó có thể nghe thấy một người dẫn chương trình nhà nước Nga trình bày chi tiết các phương pháp tốt nhất để tiêu diệt xe tăng Abrams của Mỹ, sau đó so sánh các ưu điểm của nó với xe tăng T-14 Armata của Nga.

"Chúng là những phương tiện công nghệ cao với các cảm biến phức tạp, bộ truyền dữ liệu và máy bay không người lái tích hợp trên xe", video cho biết.

T-14 Armata đã gây xôn xao dư luận khi ra mắt tại Moscow vào năm 2015. Một quan chức tình báo quân đội Anh cho biết vào năm 2016 rằng T-14 xứng đáng được coi là "chiếc xe tăng cách mạng nhất trong thế hệ".

"Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính cách mạng nhất trong thiết kế xe tăng suốt nửa thế kỷ qua", quan chức giấu tên viết trong một bài báo tóm tắt mà The Telegraph công bố.

Đánh giá cho thấy T-14 Armata thực sự khác biệt so với các xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhờ tháp pháo không người lái, có thể hỗ trợ pháo 125 mm. Tổ lái, thay vì nằm trong tháp pháo, được đặt trong một "viên nang" bọc thép bên trong thân xe tăng.

"Lần đầu tiên, một tháp pháo không người lái, được số hóa hoàn toàn tự động đã được tích hợp vào một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực. Và lần đầu tiên, một tổ lái xe tăng được thiết kế nằm trong một khoang bọc thép ở phía trước thân tàu", tài liệu tóm tắt cho biết.

Cải tiến này sẽ làm tăng khả năng sống sót cho 3 thành viên vận hành xe tăng.

Chuẩn tướng Quân đội Anh đã nghỉ hưu Ben Barry nói với The Telegraph vào thời điểm đó rằng thiết kế tháp pháo này có khả năng chứa một khẩu súng cỡ nòng 150mm, loại súng này sẽ "vượt trội so với súng và áo giáp trên các xe tăng NATO hiện có".

Xe tăng M1 Abrams, có nhiều biến thể, được trang bị vũ khí 105mm hoặc 120mm. M1, tùy thuộc vào kiểu máy, nặng từ 67,6 đến 73,6 tấn, với tốc độ tối đa 67km/giờ và 48km/giờ trên đường băng.

T-14 Armata có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 88km/giờ, trọng lượng tối đa 53 tấn và có khung gầm linh hoạt.

Tuy nhiên, cả hai xe tăng đều có nhược điểm. Tổng thống Biden cho biết M1 Abrams "cực kỳ phức tạp để vận hành và bảo trì".

"Là một loại xe tăng lớn hơn, cồng kềnh hơn nhiều loại xe tăng hiện có của Nga, T-14 đặt ra các vấn đề hậu cần mà việc triển khai chúng sẽ là một quyết định rủi ro cao đối với Moscow", Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào ngày 19/1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem