Xét xử nhóm cán bộ ngân hàng vì gây thiệt hại 181 tỷ đồng

Gia Bình Thứ ba, ngày 14/03/2023 10:19 AM (GMT+7)
Nhóm 7 cán bộ ngân hàng bị cáo buộc không đánh giá đúng mức các yếu tố rủi do dẫn tới cho một công ty “ma” có trụ sở nước ngoài vay vốn.
Bình luận 0

Ngày 14/3, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 7 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng BIDV về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Số này gồm Đỗ Quốc Hùng, nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô và 4 thuộc cấp là: Lưu Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc; Phạm Anh Tài, nguyên Trưởng phòng tín dụng; Nguyễn Văn Hà, nguyên Phó phòng tín dụng; Lại Minh Ngọc, nguyên Trưởng phòng thẩm định;

Hai bị cáo còn lại là Lê Vũ Thanh, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh; Đỗ Xuân Khoan nguyên Phó phòng tín dụng BIDV Tây Nam Quảng Ninh.

Xét xử nhóm cán bộ ngân hàng vì gây thiệt hại 181 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhóm cán bộ BIDV hầu tòa vì gây thiệt hại hơn 181 tỷ đồng.

Phiên tòa được mở hồi đầu tháng 3 nhưng do vắng mặt một số người nên phải hoãn lại tới hôm nay (14/3).

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, nhóm bị cáo trên đã làm sai quy định, giúp Công ty Đầu tư và Phát triển Kenmark vay từ BIDV, SHB và Habubanh (nay sát nhập vào SHB) hơn 52,8 triệu USD cùng 57 tỷ đồng dù không đủ điều kiện dẫn tới thiệt hại 360 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 9/2020.

Cáo trạng thể hiện, Công ty Kenmark là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, do một doanh nghiệp từ nước Samao (thuộc Châu Đại Dương) thành lập ở Hải Dương để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark trên khu đất 46ha.

Công ty Kenmark có người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ). Năm 2007, vị giám đốc này gửi đề nghị vay vốn tới BIDV Thành Đô với số tiền 69 triệu USD thời hạn 84 tháng.

BIDV Thành Đô đã mời BIDV Tây Nam Quảng Ninh, BIDV Đông Hà Nội và ngân hàng SHB chi nhánh Quảng Ninh, Habubank chi nhánh Bắc Ninh làm đồng tài trợ, thành lập Tổ thẩm định chung.

Hồ sơ vay vốn của Kenmark không đủ điều kiện, cơ quan tố tụng cáo buộc. Các yếu tố thiết sót gồm không có tài liệu phê duyệt thiết kế cơ sở các hạng mục nhà xưởng theo Luật Xây dựng năm 2003; vốn chủ sở hữu không đủ 20% tổng đầu tư dự án.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cung cấp tài liệu thể hiện Công ty Kenmark có "chỉ số rủi do cao" và không tồn tại văn phòng hoạt động, chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Đơn vị bảo lãnh vay vốn cho Kenmark là Công ty Kenmark Industrial (ở Đài Loan) cũng chỉ có hạn mức tín dụng tối đa là 350.000 USD trong vòng 90 ngày.

Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark khi đó có 6 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ký hợp đồng thuê nhà xưởng nhưng đây đều là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kenmark.

Xét xử nhóm cán bộ ngân hàng vì gây thiệt hại 181 tỷ đồng - Ảnh 2.

Đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng tại tòa.

Viện kiểm sát cho rằng, dù Kenmark không đủ điều kiện vay vốn, năng lực trả nợ trong hạn không có nhưng Tổ thẩm định vẫn đề xuất cho doanh nghiệp này vay tối đa hơn 67 triệu USD.

Từ đó, Tổng giám đốc BIDV đồng ý cho Kenmark vay tối đa 68 triệu USD; lãnh đạo SHB đồng ý cho vay 18 triệu USD còn lãnh đạo Habubank đồng ý cho vay 10 triệu USD.

Giai đoạn 2008 – 2010, các ngân hàng đồng tài trợ đã cho Kenmark vay gần 53 triệu USD và 57 tỷ đồng, đạt trên 80% giá trị hợp đồng tín dụng. Trong đó, BIDV Thành Đô bị giới hạn mức tín dụng nên "rủ" các chi nhánh Bắc Kạn, Tây Nam Quảng Ninh, Đông Hà Nội cùng cho vay tổng cộng hơn 30 triệu USD.

Năm 2009, Công ty Kenmark dừng hoạt động và các ngân hàng sau đó chỉ thu được hơn 33 triệu USD tiền nợ, lãi. Dư nợ còn lại hơn 15,5 triệu USD (tương đương 360 tỷ đồng) không có khả năng thu hồi.

Lý do, Giám đốc doanh nghiệp này là Hwang Jonathan Cheng Yu đã xuất cảnh. Doanh nghiệp bảo lãnh là Kenmark Industrial Đài Loan đã dừng hoạt động, được tòa án Đài Loan tuyên bố phá sản năm 2018.

Tại thời điểm khởi tố vụ án năm 2020, dự nợ của Kenmark tại các chi nhánh của BIDV còn hơn 9,4 triệu USD; tại SHB còn hơn 6 triệu USD (Habubank đã được sát nhập vào SHB).

Quá trình điều tra, ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Giám đốc SHB Quảng Ninh đã đại diện các cán bộ nộp lại 6 triệu USD; các ông Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Chí Thành thuộc BIDV Đông Hà Nội nộp hơn 1,6 triệu USD nên không bị xử lý hình sự.

Tương tự, ông Bùi Văn Bổn, nguyên Giám đốc BIDV Bắc Kạn được xác định chỉ cho vay theo yêu cầu của BIDV Thành Đô, không tham gia thẩm định nên được áp dụng "chính sách không xử lý hình sự".

Riêng tại BIDV, viện kiểm sát cáo buộc đến năm 2022, ngân hàng này không thể thu hồi hơn 7,8 triệu USD, tương đương 181 tỷ đồng. Hậu quả này do 7 bị cáo đã "không đánh giá đúng mức các yếu tố rủi do", đề xuất cho vay dù hồ sơ của Kenmark không đầy đủ tài liệu, năng lực tài chính không đảm bảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem