Xin tiền gia đình du học, sinh viên “khởi nghiệp” với đa cấp

Khải Huyền Thứ sáu, ngày 25/10/2019 08:15 AM (GMT+7)
Câu chuyện nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; sau khi trúng học bổng “khủng”, xin tiền gia đình nhưng không đi du học; mà theo chân đàn anh đi khởi nghiệp bằng bán hàng đa cấp khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng. Trong khi, các chiêu lừa đảo đa cấp đã được báo chí phản ánh rất nhiều, tại sao sinh viên vẫn dính?
Bình luận 0

Nguyễn Văn T. (quê ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) từng là sinh viên Khoa quản lý công nghiệp (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM). Trước khi đậu vào đại học với ngành học mơ ước, T. là học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, ngôi trường với rất nhiều học sinh xuất sắc của tỉnh Phú Yên.

Đậu vào đại học, T. được gia đình chăm lo chu đáo mọi nhu cầu. Từ ăn ở đến việc học tập... Trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn nhiều bỡ ngỡ ở môi trường mới, thì T. khá nhanh nhẹn, thành thạo trong việc đi lại, giao lưu với các sinh viên khóa trên. Đến học kỳ thứ 2 ở trường đại học, T. được một số anh chị khóa trên rủ rê cùng “khởi nghiệp”.

Vốn có đam mê và quyết tâm phải làm nên sự nghiệp, thậm chí, T. mong muốn phải thành danh trước bạn bè. Sau khi gom góp tiền học phí và các khoản chi tiêu khác do gia đình gởi; T. trở thành nhà phân phối của một hãng kinh doanh đa cấp (có trụ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM). T. bắt đầu rủ rê bạn bè cùng tham gia. Lúc này, thông qua bạn bè, gia đình mới phát hiện T. bỏ bê việc học, nợ học phí và thường xuyên tham gia vào các cuộc họp của “những người thành đạt”.

img

Rất nhiều sinh viên dính vào bẫy bán hàng đa cấp, sa sút việc học hành. Ảnh minh họa. 

Mới đây, nhiều phụ huynh có con học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phản ánh, sinh viên về báo là có được nhận học bổng “khủng” đi du học nước ngoài, muốn xin thêm tiền học phí. Do là chi phí để đi du học nên số tiền cần đến hàng trăm triệu đồng.

Sau khi gia đình chạy vạy vay vốn để chuyển tiền vào ngân hàng cho con làm hồ sơ du học thì sau đó, không liên lạc được với con. Có người lên tận trường để hỏi về chương trình học bổng du học mới phát hiện ra, con mình đã làm giả giấy tờ, nhà trường không hề có chương trình học bổng nào giống như con đã thông báo trước đó.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết, dụ dỗ bán hàng đa cấp, chơi tiền ảo… đang là vấn nạn trong cộng đồng sinh viên. Rất nhiều em đã dính bẫy, vắng học liên tiếp nên sa sút, sau đó bỏ thi rồi bỏ học luôn.

Theo thầy Dũng, vấn đề là nếu cách đây vài năm, các chiêu trò dụ dỗ sinh viên tham gia đa cấp còn mới, dễ thu hút sinh viên, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn tìm việc làm thêm… nhưng hiện nay, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng đa cấp. Ấy vậy mà sinh viên vẫn sa lầy.  

Như năm học trước, đã có một số trường hợp lừa gia đình rằng trúng học bổng du học để xin tiền đi bán hàng đa cấp. Nhà trường đã phải ra thông báo là không có chương trình liên kết nào đưa sinh viên đi du học như thế. Dẫu vậy, đến nay, tình trạng này vẫn xảy ra và dường như không ngăn chặn được.

Không riêng tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, rất nhiều sinh viên các trường ĐH khác trên địa bàn TP.HCM sa sút việc học vì dính vào bẫy đa cấp. Các sinh viên tham gia mạng lưới đa cấp trước lại về dụ dỗ, rủ rê chính bạn bè, anh chị và cả thầy cô trường mình cùng tham gia.

Một giảng viên tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM kể, học kỳ trước, cuối giờ học đều có một sinh viên đến trò chuyện, trao đổi với thầy. Ban đầu, sinh viên này mở lời hỏi bài, nhờ hướng dẫn bài tập… Nhưng sau đó, sinh viên hỏi thêm về thu nhập rồi gợi mở các câu hỏi như thầy có muốn làm giàu không, có muốn không phải hằng ngày lên lớp mà vẫn có lương cao, thu nhập khủng không…

Biết sinh viên của mình đã dính bẫy đa cấp, giảng viên này tìm cách khuyên răn, chỉ bảo để em quay lại tập trung học hành. Tuy nhiên, sau vài tuần không thuyết phục được thầy giáo, cô sinh viên kia đã không đến lớp nữa. Kết quả cuối kỳ không được qua môn do bỏ thi.

Các chuyên gia cho biết, bán hàng đa cấp được pháp luật công nhận và cho phép. Bản chất của bán hàng đa cấp không xấu, chỉ có trường hợp bán không đúng quy định và “biến tướng” mới bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo quy định, công ty bán hàng đa cấp phải đăng ký tại Bộ Công thương. Sau đó phải tiếp tục đăng ký tại Sở Công thương các tỉnh, thành nơi công ty đặt trụ sở hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp không đăng ký tại địa phương, hoạt động “chui” nhằm mục đích lừa đảo.

Đặc biệt, nhiều nhóm, tổ chức bán hàng đa cấp bất chấp thủ đoạn, hướng dẫn cụ thể để sinh viên lừa đảo bạn bè, người quen cùng tham gia vào mạng lưới đa cấp. Gần đây nhất là chiêu trò dụ dỗ học sinh lừa gia đình xin tiền đi du học. Số tiền xin gia đình dù lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng sinh viên “bị dụ” thường là những học sinh khá giỏi, gia đình ở quê nên ít tiếp cận thông tin về các chương trình học bổng, liên kết du học…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem