Như một lời hẹn ước, cứ độ cuối tháng 10 đầu tháng 11 là người dân quê tôi lại rôm rả với các câu chuyện về cưới hỏi. Khoảng thời gian này, cứ dăm ba ngày là quê tôi lại có đám cưới, không đầu trên thì cũng xóm dưới rình rang, xôn xao cả làng quê.
Mùa này, công việc đồng áng đã qua thời vụ, dân quê được rảnh rang, không còn vướng víu nhiều với ruộng đồng, vườn tược nên tập trung lo chuyện đám cưới cho các bạn trẻ. Trước đây, mùa cưới quê tôi, để tổ chức được một tiệc cưới dân quê phải chuẩn bị mấy tháng trời trong tâm trạng âu lo. Nào là phải chặt củi chất cự để nấu xương bò, nào là phải lo chuyện dao mát, nồi ơ… ai ai cũng đều tất bật. Đến gần ngày cưới, cần phải chuẩn bị một danh sách khách mời để mời khách về dự tiệc. Hễ nhà nào có đám là bà con xúm xít tụ hội về để cùng nhau chuẩn bị một đám cưới thật chu toàn, tươm tất.
Chiếc cổng cưới “cây nhà lá vườn” quê tôi.
Như thành thông lệ, trước ngày cưới một ngày, trai làng tụ hội về gia chủ để chuẩn bị làm một cái cổng cưới “cây nhà lá vườn” thật bắt mắt. Nguyên liệu của cổng cưới chủ yếu bằng tàu dừa, cây chuối, trang trí ít dây đủng đỉnh, dây tơ hồng… Cổng cưới miền Tây tuy đơn giản nhưng dưới bàn tay của các “nghệ nhân nhà vườn” cũng trở nên rực rỡ, sinh động không kém. Theo chia sẻ của các vị cao niên, cổng cưới có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, dây đủng đỉnh quấn chặt lấy nhau biểu trưng cho một tình yêu sắt son, bền chặt của đôi uyên ương trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Đám cưới miền quê tuy mộc mạc nhưng ấm áp tình nghĩa xóm giềng (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đến ngày đám chính, trai làng lũ lượt cùng nhau bơi xuồng tỏa đi để mượn bàn ghế và các vật dụng cần thiết để đãi khách. Tiếng nói, tiếng cười xôm tụ làm xôn xao cả một vùng quê. Trai gái trong làng thì ăn mặc thật đẹp chuẩn bị đưa dâu hoặc rước dâu về. Nếu là nhà trai thì lễ rước dâu sẽ phải chuẩn bị chu đáu hơn với đủ đầy các mâm lễ phẩm cùng các nghi lễ mang đậm dấu ấn cưới hỏi của người dân miền sông nước.
Gần đây nông thôn đang từng ngày đổi mới, đường xá đã khang trang, sạch đẹp hơn, những cuộc rước dâu bằng xuồng ghe trong mùa cưới quê tôi như khi xưa đã được thay thế bằng những chiếc xe hoa rực rỡ. Cổng cưới “cây nhà lá vườn” năm xưa được thay thế bằng những chiếc cổng hoa lộng lẫy không thua kém các cổng cưới nơi chốn thị thành. Người dân ít khi đến trước ngày cưới để cùng gia chủ lo toan mọi việc. Một đám cưới quê đặc trưng ngày xưa nay đã mất dần, thay vào đó là đám cưới thật vui vẻ, văn minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.